Thứ Sáu, 11/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 20/4/2022 11:21'(GMT+7)

Thi tốt nghiệp PTTH năm 2022: Một số điểm cần lưu ý

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại giao ban báo chí thường kỳ của Ban Tuyên giáo Trung ương sáng 19/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trên cơ sở đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với ngành GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để quyết định phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Bộ GDĐT đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022.

Vẫn giữ phương thức tổ chức cơ bản như năm 2021

Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia của khoảng 900.000 đến một triệu thí sinh mỗi năm. Kết quả kỳ thi chủ yếu được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Hầu hết các trường đại học, cao đẳng sử dụng điểm kỳ thi này như phương thức chính để xét tuyển đầu vào bên cạnh một số phương thức khác.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, về cơ bản, Kỳ thi vẫn giữ phương thức tổ chức như năm 2021, thực hiện trên tinh thần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của Bộ GDĐT và các địa phương, cơ sở giáo dục trong chỉ đạo, tổ chức thi.

Kỳ thi sẽ do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì triển khai thực hiện các khâu coi thi, chấm thi. Giá đốc Sở GD-ĐT sẽ quyết định việc sắp xếp thí sinh vào phòng thi tại các điểm thi như quy định của Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT tiếp tục cử cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ thuộc khối đào tạo giáo viên, học viên, làm công tác thanh tra thi tại các địa phương.

Thí sinh tự do, thí sinh hòa học sinh hệ giáo dục thường xuyên bố trí ngồi xen kẽ cùng thí sinh là học sinh hệ THPT.

Đây là đợt thi thống nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên, căn cứ thực tế diễn biến dịch COVID-19 và trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ GDĐT sẽ xem xét để có thể tổ chức đợt thi bổ sung cho các thí sinh không thể tham dự Kỳ thi vào thời gian nói trên do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các Sở GD&ĐT chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 (nếu có). 

Tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi…

Thi 4 môn bắt buộc

Để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh THPT phải dự thi đầy đủ ba bài độc lập và một bài tổ hợp,  gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 bài thi chọn trong tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, hóa học, sinh học) hoặc tổ hợp khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Đối với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT có thể chọn đăng ký dự thi các bài thi tổ hợp hoặc môn thành phần trong các bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội phù hợp với tổ hợp xét tuyển cao đẳng, đại học.

Đề thi bám sát nội dung cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 và sẽ không ra vào phần được xác định không dạy, phần đọc thêm, tự học trong Hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình cấp THPT đã được Bộ GD-ĐT ban hành tháng 9-2021. Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Đề thi chính thức sẽ được xây dựng với cấu trúc tương tự như đề thi tham khảo của các môn thi vừa được Bộ GD-ĐT công bố, với 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học sau kỳ thi tốt nghiệp

Bộ GD-ĐT vẫn cho phép các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT là một trong nhiều phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, khác với các năm trước đây thường yêu cầu thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trước kỳ thi tốt nghiệp, năm nay, thí sinh đăng ký nguyện vọng sau khi thi tốt nghiệp THPT.

Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đợt 1 bắt đầu từ khi thi xong đến sau khi có điểm thi và xét tốt nghiệp THPT. Thí sinh không đỗ trong đợt xét tuyển này có thể đăng ký xét tuyển bổ sung nếu các cơ sở đào tạo còn chỉ tiêu tuyển sinh.

Năm nay, tất cả nguyện vọng của thí sinh đăng ký ở các trường dù bất kỳ phương thức nào cũng đăng ký trên hệ thống. Sau khi có kết quả thi THPT, các trường phải đẩy dữ liệu lên hệ thống chung để lọc ảo.

Toàn bộ việc xét tuyển độc lập của các trường đều đẩy lên hệ thống để Bộ lọc ảo chung. Tất cả nguyện vọng của thí sinh được sắp xếp thứ tự từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất.

Khi lọc ảo, thí sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng cao nhất ở tất cả nguyện vọng, ở tất cả các trường. Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, trong quy chế quy định tất cả các trường khi điều chỉnh chỉ tiêu cho các phương thức khác nhau phải có lộ trình.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất