Thị trường viễn thông 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao sau thời gian dài ở trạng thái bão hòa. Cùng với đó, cuộc đua công nghệ 5G được dự báo sẽ còn làm cho thị trường “nóng” hơn nữa trong thời gian tới.
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng tăng và để thu hút khách hàng, ngoài việc tập trung phát triển công nghệ mới 5G, các nhà mạng chú trọng triển khai các gói dịch vụ tích hợp với nhiều tiện ích khác nhau theo nhu cầu cụ thể của từng nhóm khách hàng. Việc “cá nhân hóa” các dịch vụ cũng đang là xu hướng chủ đạo trên thị trường viễn thông thế giới hiện nay.
TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), 6 tháng
đầu năm, tổng số thuê bao di động của cả nước đạt khoảng 134,5 triệu
thuê bao, tăng 112,3% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng khá cao sau
thời gian dài trầm lắng, cho thấy tín hiệu hồi phục của thị trường.
Các
chuyên gia nhận định, kết quả có được là nhờ một số chính sách lớn
được Bộ TT&TT tiến hành hiệu quả trong thời gian qua. Trước hết là
việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số từ cuối năm 2018. Sau thời
gian đầu phát sinh tình trạng nhà mạng dùng “chiêu trò” để cố tình níu
kéo khách hàng, Bộ TT&TT đã mạnh mẽ vào cuộc, chỉ đạo các doanh
nghiệp (DN) viễn thông phải tháo gỡ rào cản, minh bạch hóa công đoạn
nhằm tăng tỷ lệ chuyển mạng thành công. Hiện nay dịch vụ này đã cơ bản
đi vào quy củ. 6 tháng, cả nước đã có hơn 550 nghìn thuê bao chuyển
mạng thành công.
Tiếp đến, Bộ TT&TT cũng đã cấp phép thử nghiệm 5G cho ba DN viễn
thông, tạo ra cuộc đua công nghệ mới được dự báo sẽ rất quyết liệt trong
thời gian tới. Đến nay, Viettel đã công bố thử nghiệm thành công 5G tại
Hà Nội và đang tiếp tục mở rộng tại TP. Hồ Chí Minh; hai DN còn lại là
VNPT cùng Mobifone cũng đang khẩn trương thiết lập mạng 5G thử nghiệm
tại nhiều thành phố lớn trên cả nước.
Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đã
phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng kế hoạch cho phép các DN
viễn thông thí điểm ứng dụng thanh toán điện tử trên thuê bao di động.
Đây được coi là bước đột phá, vừa giúp giảm tỷ lệ thanh toán tiền mặt,
minh bạch hóa thị trường tài chính quốc gia, vừa mở ra cơ hội mới giúp
các nhà mạng phát triển.
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, cộng thêm hàng loạt “cơ hội
vàng” đang được mở ra trước mắt đã buộc các nhà mạng phải tập trung nâng
cấp chất lượng, phát triển các gói dịch vụ mới, rẻ và tiện ích hơn để
thu hút khách hàng.
Viettel “châm ngòi” cuộc đua tăng dung lượng cho
mảng internet cố định. Cụ thể, từ ngày 1/6, nhà mạng này áp dụng chính
sách nâng gấp hai lần băng thông cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ
internet cố định với giá cước không đổi. Động thái này ngay lập tức tác
động mạnh đến thị trường cung cấp dịch vụ internet cố định bởi nếu
không phản ứng nhanh, rất có thể các nhà mạng khác sẽ mất lượng lớn
khách hàng. Chỉ vài ngày sau, VNPT cũng tung ra các gói cước Home mới
với tốc độ internet tăng gấp hai lần và hỗ trợ thêm cả truyền hình 4K.
Các nhà mạng còn lại cũng đang nỗ lực tìm đối sách để ứng phó lại động
thái này.
Các chuyên gia nhận định, đây có thể là các chương trình
khuyến mãi hoặc là chương trình dài hạn của các nhà mạng, tuy nhiên cũng
cần xem xét khả năng có hay không việc bán dịch vụ dưới giá thành. Mặc
dù vậy, việc nâng dung lượng thì trước hết người tiêu dùng được hưởng
lợi.
XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN MỚI
Trong xu thế phát triển thông tin hiện nay, người sử dụng dịch vụ
viễn thông ngày càng có nhu cầu cao trong việc sử dụng các sản phẩm tích
hợp. Do đó, các nhà mạng đang tập trung triển khai nhiều dịch vụ, nội
dung hấp dẫn trong các gói sản phẩm nhằm thu hút khách hàng.
Cụ thể, đã
có hơn 100 nhà mạng trên thế giới tích hợp các ứng dụng âm nhạc vào sản
phẩm trong năm 2018 và rõ ràng xu hướng này sẽ là hướng đi dài hạn của
các nhà mạng trên thế giới.
Bên cạnh đó, theo dự báo, số lượng người sử
dụng các gói cước tích hợp từ bốn dịch vụ trở lên trên toàn cầu sẽ tăng
lên 46 triệu người trong năm 2019. Doanh thu từ các nội dung video
trực tuyến cũng sẽ tăng lên 48 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng
trưởng trung bình hằng năm là 18%.
Trong quá trình tích hợp các dịch vụ, việc “cá nhân hóa” các gói dịch
vụ đang trở thành xu hướng chủ đạo, nghĩa là nhà mạng sẽ bán những gì
khách hàng cần. Trong đó, hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích nhu cầu
khách hàng để đưa ra những gói dịch vụ khác nhau, đáp ứng nhu cầu của
từng nhóm khách hàng riêng biệt.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy,
76% số khách hàng hy vọng DN cung cấp hàng hóa/dịch vụ hiểu được nhu cầu
và mong muốn của họ. Mặt khác, 56% số khách hàng chủ động tìm kiếm và
mua hàng từ các công ty mang lại sản phẩm tốt; 66% số khách hàng thích
các công ty gây ấn tượng bằng sản phẩm, dịch vụ mới. Nhất là có 84%
lượng khách hàng luôn mong muốn được đối xử như những người đặc biệt
thay vì giống như người khác.
Rõ ràng, xu hướng “cá nhân hóa” đang ngày
càng trở nên quan trọng trong việc bán hàng và gia tăng trải nghiệm của
khách hàng.
Riêng tại Việt Nam, số lượng người dùng internet xem ít nhất một nội
dung trực tuyến/tuần là 92%. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm viễn thông
hiện nay trên thị trường nước ta đều đánh đồng và gộp chung mọi nhu
cầu, chỉ phân hóa qua tốc độ, dung lượng, giá cước hoặc dưới dạng kết
hợp đơn giản với dịch vụ truyền hình. Do đó, tích hợp và cá nhân hóa
dịch vụ sẽ là giải pháp đột phá cho các DN viễn thông.
Tiên phong trong
lĩnh vực này chính là VNPT với các dòng sản phẩm Home và Mobile Data vừa
được nhà mạng này chính thức ra mắt trong mấy ngày gần đây. Trong đó,
dòng Home bao gồm nhóm sản phẩm Home Combo tích hợp internet - truyền
hình - di động cho gia đình và dòng Mobile Data gồm các nhóm sản phẩm
chuyên về dữ liệu di động. Các nhóm sản phẩm này được tùy biến nội dung
theo mục đích sử dụng của từng nhóm khách hàng như kết nối, giải trí,
thể thao, trò chơi,... đáp ứng nhu cầu giải trí cho mỗi cá nhân.
Phó
Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone Nguyễn Trường Giang cho biết: “Cá nhân hóa”
sẽ có mặt trong hầu hết sản phẩm và dịch vụ mới của VNPT VinaPhone
trong giai đoạn tới đây. Các gói cước mới của VinaPhone sẽ được chuyên
biệt với dữ liệu và đường truyền ưu tiên cho ứng dụng, nội dung theo
chọn lựa của khách hàng./.
Thái Linh (nhandan.com.vn)