Thời gian qua, hợp tác hai bên đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp
thông tin cho cộng đồng quốc tế về thành quả hợp tác mà Việt Nam-Hoa Kỳ
đã đạt được trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh.
Chiều 18/7, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu qủa bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 701) đã có buổi làm
việc với ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ
tại Việt Nam (USAID).
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, đánh giá về những hoạt động
hợp tác trong thời gian vừa qua, đồng thời thảo luận về phương hướng
thời gian tới.
Thời gian qua, hợp tác hai bên đã đạt được nhiều kết quả tích cực,
như việc phối hợp tổ chức thành công Hội thảo “Khắc phục hậu quả chiến
tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa
Kỳ” tại Washington ngày 26/3; giúp thông tin cho cộng đồng quốc tế về
thành quả hợp tác mà Việt Nam-Hoa Kỳ đã đạt được trong lĩnh vực khắc
phục hậu quả chiến tranh.
Đây cũng là cơ hội tốt để hai bên nhìn lại chặng đường đã qua, từ đó
rút ra những kinh nghiệm trong quá trình hợp tác tiếp theo về vấn đề
này.
Đồng thời, hai bên tiếp tục phối hợp chuẩn bị triển khai Dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại
Quyết định số 425/QĐ-TTg ngày 17/4/2019 và được khởi động vào ngày
20/4/2019 nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Đoàn Quốc hội
Hoa Kỳ do Thượng nghị sỹ Patrick Leahy làm Trưởng đoàn.
Hai bên đã có bước tiến trong hợp tác hỗ trợ người khuyết tật tại các
tỉnh bị phun rải chất da cam thông qua việc ký Bản ghi nhận ý định
(MOI) giữa Văn phòng 701 và USAID vào ngày 20/4.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Thượng tướng Nguyễn Chí
Vịnh đề nghị Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tích cực phối hợp với
Quân chủng Phòng không-Không quân (Chủ đầu tư Dự án Xử lý dioxin tại sân
bay Biên Hòa) khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ trình lãnh đạo Bộ Quốc phòng
phê duyệt Dự án; xác định và lựa chọn công nghệ cụ thể xử lý đất nhiễm
dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa để thẩm định, đánh giá, phê duyệt
trước khi áp dụng công nghệ xử lý.
Hai bên xác định cụ thể biện pháp kiểm soát an toàn, giảm thiểu các
tác động của dioxin đối với con người trong quá trình thực hiện dự án;
khảo sát xây dựng kế hoạch tổng thể, cung cấp thông tin lộ trình, thời
gian, kết quả thực hiện các hạng mục của dự án để phục vụ công tác quản
lý, đánh giá hiệu quả; thực hiện trước một số hoạt động ưu tiên của dự
án.
Đi sâu vào hoạt động cụ thể, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị USAID và Quân chủng Phòng không-Không quân phối hợp nghiên cứu, lên phương án
chuẩn bị để đảm bảo chất dioxin không lan tỏa ra ngoài khu vực được
kiểm soát; đào xúc đất bên ngoài đưa vào thay thế đất trong sân bay,
tránh ô nhiễm và tạo sự an tâm cho nhân dân, thực hiện bước đi hiệu quả
ngay từ giai đoạn đầu của Dự án.
Đối với hoạt động hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại các điểm bị
phun rải chất da cam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị USAID và Văn
phòng 701, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) tiếp tục tăng cường phối hợp để đàm phán, ký kết
Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại làm cơ sở xây dựng văn kiện Dự án,
sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư để tổ
chức thực hiện.
Bên cạnh đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng mong muốn USAID tiếp
tục hợp tác với Việt Nam để tổ chức các hội thảo quốc tế trong nhiệm kỳ
Việt Nam đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên
hợp quốc.
Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael
Greene cập nhật một số thông tin về tình hình dự án tại Biên Hòa. Liên
quan đến việc triển khai Dự án hiện nay, ông Michael Greene bày tỏ cảm
ơn trước sự hỗ trợ và những chỉ đạo sát sao đối với các hoạt động của Dự
án từ phía Việt Nam; cho rằng hai bên nên tiếp tục phối hợp chặt chẽ
trong các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau
chiến tranh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật tại Việt
Nam..., góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam và
Hoa Kỳ./.
(TTXVN)