Chủ Nhật, 6/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 13/9/2008 22:20'(GMT+7)

Thị trường Việt Nam đầy triển vọng

Mới đây Công ty VimpelCom của Nga đã cùng với công ty Gtel của Việt Nam thành lập liên doanh cung cấp dịch vụ điện thoại di động GMS mang tên GtelMobile.

Ông Nikolai Pryanishnikov – Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh quốc tế của VimpelCom cho biết: “Công ty VimpelCom có thương hiệu là Beeline, là một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất của Nga. Hiện nay chúng tôi cung cấp các dịch vụ điện thoại di động tiêu chuẩn GSM hầu như ở tất các các khu vực của Nga với hơn 42 triệu thuê bao. Chúng tôi cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ điện thoại cố định, truy cập internet băng thông rộng, theo hướng đáp ứng mọi dịch vụ viễn thông. Gần đây chúng tôi đã mở rộng hoạt động sang các nước khác, mà cụ thể là 6 nước SNG và đang tiến hành mở rộng thị trường quốc tế. Chúng tôi rất vui vì Việt Nam là nước đầu tiên bên ngoài biên giới Liên Xô cũ mà chúng tôi ký kết thoả thuận thành lập liên doanh và tôi hy vọng dự án đầu tiên này sẽ rất thành công”.

PV: Xin ông cho biết về liên doanh tại Việt Nam?

Ông Nikolai Pryanishnikov: Tại Việt Nam chúng tôi đã lập một liên doanh với 40% cổ phần là của VimpelCom. Chúng tôi có một đối tác rất tốt – đó là công ty Gtel. Hai bên cùng bắt tay vào việc xây dựng mạng lưới điện thoại di động và dự định tới giữa năm 2009 sẽ ra mắt tại thị trường Việt Nam một mạng điện thoại với những dịch vụ hiện đại nhất. Đó là những dịch vụ mà chúng tôi đang phát triển ở tất cả các nước và cả những dịch vụ mà chúng tôi xác định riêng dành cho thị trường Việt Nam, bao gồm không chỉ dịch vụ điện thoại, mà cả dịch vụ truyền số liệu, truy cập nhanh internet, gửi tin nhắn, dịch vụ điện thoại có hình…


Thương hiệu Beeline là một trong những thương hiệu hàng đầu ở Nga. Và chúng tôi mong muốn giới thiệu ở thị trường Việt Nam mọi ưu việt của thương hiệu này.

PV: Ông nhìn nhận như thế nào về sự cạnh tranh với các nhà cung cấp khác tại Việt Nam?

Ông Nikolai Pryanishnikov: Là những nhà cung cấp dịch vụ liên lạc giàu kinh nghiệm, chúng tôi thường nói rằng chúng tôi không đơn thuần cạnh tranh khốc liệt trên thị trường mà giúp đỡ lẫn nhau, làm việc như những đối tác. Bởi lẽ có nhiều vấn đề phải cùng nhau giải quyết, ví dụ như các mạng di động kết nối với nhau, hoặc khi có trục trặc trong liên kết của mạng chúng tôi thì các mạng khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Có nghĩa là một mặt là các đối thủ cạnh tranh, mặt khác còn là các đối tác.

PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường Việt Nam?

Ông Nikolai Pryanishnikov: Thị trường Việt Nam rất nhiều triển vọng. Thật sự là chúng tôi coi Việt Nam là một trong những thị trường triển vọng nhất trên thế giới bởi vì ở đây số người sử dụng di động chưa cao (ở Nga con số này đã vượt quá 100%) vì thế có triển vọng gia tăng lượng thuê bao. Thêm nữa dân số Việt Nam rất trẻ và đó là một tiềm năng lớn, bởi vì khi chúng tôi đưa ra những mạng và các dịch vụ điện thoại di dộng mới hiện đại (truy cập Internet, tải trò chơi…), chúng tôi thường nhận được sự hưởng ứng và đánh giá cao của giới trẻ. Chúng tôi cũng đang cung cấp nhiều dịch vụ thương mại. Nhiều người có thể sử dụng điện thoại di động của mình như một cái ví để thanh toán khi sử dụng các dịch vụ hay mua hàng hoá.

Liên doanh của chúng tôi dự định trong vòng 5 năm sẽ đầu tư 1,8 tỷ USD vào thị trường Việt Nam. Tôi nghĩ đó là một trong những khoản đầu tư lớn vào nền kinh tế và thị trường viễn thông Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được hiệu quả tương ứng. Trong 5 năm đó chúng tôi dự kiến chiếm lĩnh khoảng 15-20% thị trường, có nghĩa là khoảng 15 – 20 triệu thuê bao.

PV: Ông có thể cho biết cảm nhận về đất nước, con người Việt Nam?

Ông Nikolai Pryanishnikov: Tôi rất thích Việt Nam. Ngày từ cái nhìn đầu tiên tôi đã có cảm nhận rằng đất nước đang trên đà phát triển. Một đất nước với dân số trẻ và mọi người đều tích cực làm việc. Tôi nghĩ rằng đó là sự đảm bảo cho thành công.

Tôi rất thích cách cư xử đầy tình cảm của người Việt Nam, không hình thức, rất thân thiện và tích cực - một yếu tố cần thiết trong giao tiếp và làm việc trong công sở, với khách hàng... và quan trong nhất là giữa con người với con người. Bởi vậy tôi thấy rất ấn tượng và rất sẵn lòng làm việc tại Việt Nam, cũng như rất vui khi nhìn thấy các đồng nghiệp của mình đang bắt tay vào công việc tại đây.

PV: Xin cám ơn ông!

(VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất