Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Tư, 24/12/2008 14:0'(GMT+7)

Thiên tai bất thường, cả nước dồn sức phòng, chống bão, lũ

Đợt mưa lớn liên tục cuối tháng 10,đầu tháng 11, gây ngập lụt nhiều ngày ở Hà Nội

Đợt mưa lớn liên tục cuối tháng 10,đầu tháng 11, gây ngập lụt nhiều ngày ở Hà Nội

Tình trạng bất thường của thời tiết

Có thể nhận định rằng, năm 2008, nhiều hiện tượng dị thường của thời tiết đã xảy ra ở nước ta. Ngay trong nửa đầu tháng 1, khi mà các tỉnh phía bắc đang xảy ra đợt rét đậm, rét hại thì ở vùng biển phía nam Biển Ðông đã hình thành hai áp thấp nhiệt đới (ATNÐ). Ðây là trường hợp chưa từng xảy ra bởi nó hoàn toàn trái quy luật. Hai ATNÐ này đều gây mưa trên diện rộng ở các tỉnh ven biển Trung Bộ, một số nơi có mưa vừa, mưa to.

Trong khi đó, các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phải hứng chịu một đợt rét đậm, rét hại khắc nghiệt nhất ở nước ta, kể cả độ lạnh và thời gian kéo dài liên tục suốt 38 ngày (từ 12-1 đến 19-2); trong đó có 29 ngày rét hại (nhiệt độ trung bình ngày dưới 13o C). Vùng núi cao thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai liên tiếp trong ba, bốn ngày có tuyết và nước đóng băng.

Ngay cả hai tỉnh Sơn La, Lai Châu thuộc vùng núi phía tây Bắc Bộ cũng có tuyết rơi và băng giá. Nhiều vùng núi cao ở Bắc Bộ nhiệt độ đã xuống dưới 0o C. Ðợt rét đậm, rét hại kéo dài này đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và đời sống con người, làm chết 200 nghìn ha lúa vụ đông xuân 2007 - 2008 và gần 140 nghìn con trâu, bò.

Tiếp theo rét đậm, rét hại là mưa bão. Mùa mưa bão năm 2008, trên Biển Ðông có mười cơn bão và bốn đợt ATNÐ hoạt động, trong đó có nhiều cơn bão xảy ra liên tiếp từ tháng 8 đến tháng 11. Và đã có bốn cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Ðó là cơn bão số 4 (Kammuri), số 6 (Hagupit), số 7 (Mekkhala) và số 10 (Noul). Hai cơn bão số 7 và số 10 đều từ ATNÐ trên Biển Ðông mạnh lên thành bão.

Ðặc điểm của các cơn bão đổ bộ vào nước ta năm nay có cường độ gió không lớn, nhưng đều gây mưa to, đến rất to và kéo dài, gây lũ lụt nghiêm trọng và làm thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa, các công trình giao thông, thủy lợi.

Ðặc biệt, trong các ngày từ 30-10 đến 10-11, do ảnh hưởng của dải hội tụ gió đông nam hoạt động mạnh trên khu vực Bắc Bộ đã có một đợt mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa trong thời gian từ đêm 30-10 đến chiều 3-11 ở các tỉnh Bắc Bộ phổ biến từ 100 đến 500 mm, cá biệt có nơi gần 1.000 mm. Ðây là đợt mưa lớn, hiếm thấy cả về diện rộng và cường độ ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khi thời tiết ở Bắc Bộ đã bước vào mùa khô hanh, một số công trình thủy nông bắt đầu tổ chức bảo dưỡng thiết bị, chuẩn bị tổng kết công tác mùa mưa lũ 2008.

Trận mưa lịch sử đã làm nhiều khu vực tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình ngập chìm nhiều ngày trong nước, bởi phải hứng chịu một lượng mưa lớn, phổ biến từ 400 đến 600 mm, nhiều nơi hơn 600 mm, như Thanh Oai 988 mm, Hà Ðông 830 mm, Chương Mỹ 727 mm, Vân Ðình 721 mm, nội thành Hà Nội 545 mm. Ðây cũng là trận mưa lớn nhất sau 35 năm trên địa bàn Hà Nội (cũ) và sau 48 năm trên địa bàn tỉnh Hà Tây trước đây.

Nếu như miền bắc và miền trung xảy ra mưa, lũ bất thường thì ở các tỉnh Nam Bộ, năm 2008 là năm thứ năm liên tiếp, đồng bằng sông Cửu Long không xảy ra lũ lớn (dưới mức báo động 3). Mặc dù hai ngày 1 và 2-10 xuất hiện đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long, nhưng mức nước sông Tiền tại Tân Châu chỉ đạt 3,77 mm (thấp hơn báo động ba 0,43 m); sông Hậu tại Châu Ðốc ở mức 3,2 mm (thấp hơn báo động ba 0,3 m).

Tuy nhiên, mức nước triều trên Biển Ðông lại tăng lên đáng kể, gây úng ngập nghiêm trọng vào những ngày triều cường ở TP Hồ Chí Minh. Ngày 15-12, đỉnh triều tại trạm Phú An đã lên đến 1,55 m, cao nhất trong vòng 49 năm qua. Dự báo nước biển sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

Thiệt hại nặng nề

Mưa, bão, lũ, lũ quét, lốc, sét, mưa đá, sạt lở đất từ đầu năm đến giữa tháng 12 đã làm chết 473 người, mất tích 64 người và bị thương 404 người; 61.795 hộ thiệt hại nặng về nhà cửa, trong đó có 27.730 hộ phải di dời; 338.503 nhà bị ngập, hư hại và tốc mái; đổ, trôi 223 trụ sở cơ quan, 138 trường học, sáu trạm y tế; hư hỏng 1.646 trường học, 151 trạm y tế; trụ sở cơ quan, công trình công cộng, úng ngập gần 600 nghìn ha lúa và rau màu; trong đó mất trắng hơn 200 nghìn ha; chết 449 con trâu, bò, 22 nghìn con lợn và hơn 1,1 triệu con gia cầm; sạt lở gần ba triệu m3 đất đá ở các công trình thủy lợi, trong đó có nhiều cầu máng, cống bị vỡ, trôi; nhiều công trình giao thông bị sạt lở, bồi lấp gần 5 triệu m3 (chủ yếu là các đường giao thông liên tỉnh, giao thông nông thôn); vỡ 54.199 ha ao, hồ, đầm nuôi tôm, cá, mất đi sản lượng hơn 100 nghìn tấn, 226 tàu, thuyền bị chìm và hư hỏng... Ước tính toàn bộ thiệt hại về vật chất khoảng 13.301 tỷ đồng.

Thiệt hại nặng nề nhất về người và vật chất là do mưa, lũ của bão số 4 gây ra, sau đó là đợt mưa, lũ từ ngày 21-10 đến 3-11. Tối 7-8, bão số 4 đổ bộ vào Quảng Ninh, sau khi vào đất liền, bão suy yếu thành ATNÐ, di chuyển chậm theo hướng tây, tây nam, suy yếu thành vùng áp thấp rồi tồn tại ở phía đông dãy núi Hoàng Liên Sơn gây mưa to, lũ lớn ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, làm 153 người chết, thiệt hại về vật chất lên tới 2.193 tỷ đồng.

Cơn bão số 6 tuy đổ bộ vào đất liền thuộc địa phận Trung Quốc, nhưng sau đó đổi hướng di chuyển và giảm cấp gió xuống ATNР ngay vùng biên giới tỉnh Cao Bằng, sau đó giảm thành vùng áp thấp di chuyển về phía tây qua vùng núi phía bắc nước ta đã gây mưa rất to ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La, Hòa Bình.

Tổng lượng mưa ở các địa phương nói trên phổ biến trên dưới 400 mm, một số nơi lớn hơn như Tiên Yên, Bình Liêu (Quảng Ninh) có lượng mưa 622 - 850 mm, Yên Châu (Sơn La) 513 mm... Mưa đã gây ra lũ rất lớn trên sông Ðà và hệ thống sông Thái Bình, trong đó lũ sông Lục Nam tại Chũ cao hơn mức lũ lịch sử xảy ra vào tháng 7-1986 là 1,1 m. Bão số 6 làm chết 42 người, mất tích năm người và 71 người bị thương. Thiệt hại về vật chất khoảng 1.536 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, từ ngày 21-10, các tỉnh Trung Bộ đã xảy ra một đợt mưa lớn, gây lũ quét, lũ cao trên các dòng sông. Ðặc biệt, từ ngày 31-10 đến 3-11, trận mưa lớn xảy ra ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương.

Ðợt mưa từ ngày 21-10 đến 3-11 ở khu vực Trung Bộ và Bắc Bộ đã làm 101 người chết, 21 người bị thương và hai người mất tích. Thiệt hại về vật chất hơn 8.590 tỷ đồng... Ðây cũng là năm có thiệt hại về người và vật chất do thiên tai gây ra ở mức cao nhất trong năm năm gần đây.

Ðồng tâm, hiệp lực khắc phục hậu quả

Phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai là trách nhiệm và nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương và của cả cộng đồng. Những năm gần đây, công tác chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai của Chính phủ và Ban chỉ đạo PCLB T.Ư rất chủ động, chặt chẽ và phù hợp tình hình thực tế.

Mỗi khi xuất hiện những cơn bão hay ATNÐ, Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư và các bộ đều có công điện, truyền tải rất cụ thể thông tin về thiên tai, yêu cầu cụ thể trong việc phòng, chống, bảo vệ an toàn tính mạng, nhà cửa, tàu, thuyền và các công trình hạ tầng cơ sở đối với các địa phương trong vùng có khả năng ảnh hưởng. Tuy thiết bị, phương tiện còn hạn chế, nhưng Ủy ban quốc gia về tìm kiếm cứu nạn đã hết sức cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Các đài thông tin ven biển phối hợp chặt chẽ với Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, với các phương tiện thông tin đại chúng, đồn biên phòng ở các địa phương làm tốt công tác thông báo thiên tai, gọi tàu, thuyền về nơi trú ẩn, hoặc di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, ATNÐ, cho nên thiệt hại về người và phương tiện đánh bắt hải sản trong năm 2008 giảm đáng kể.

Mỗi khi bão, lũ xảy ra, các Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã trực tiếp về các địa phương kiểm tra, chỉ đạo việc đối phó và khắc phục hậu quả, kịp thời trích ngân sách Nhà nước hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Bên cạnh đó, với truyền thống "lá lành đùm lá rách", nhân dân ở các vùng bị thiên tai đã kịp thời chia sẻ mất mát với các gia đình bị thiệt hại về người, tài sản, cưu mang lẫn nhau về vật chất để cùng nhau vượt qua đau thương và khó khăn trước mắt.

Các tổ chức chính trị, xã hội như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ ở T.Ư cũng như các địa phương đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào ở các vùng bị thiên tai trên tinh thần tương thân tương ái để góp phần quan trọng vào việc sớm ổn định đời sống và nhanh chóng khôi phục sản xuất. Lực lượng quân đội, công an ở các quân khu, địa phương vẫn là lực lượng nòng cốt trong việc giúp dân di dời, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ các công trình giao thông, đê điều, hồ chứa, góp phần quan trọng vào việc giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản do thiên tai gây ra.

Những năm gần đây, một phần do không xuất hiện lũ lớn, nhưng chủ yếu vẫn là nhờ có những giải pháp phù hợp để sống cùng với lũ, cho nên thiệt hại do lũ gây ra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã giảm đáng kể.

Những yếu kém, bất cập

Giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra là nhiệm vụ của nhiều ngành, nhiều cấp và của từng gia đình trong cộng đồng xã hội. Trước hết là công tác cảnh báo, dự báo thiên tai, sau đó là các giải pháp, các khâu trong phòng, chống và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai ở nước ta còn thiếu chính xác, cho nên phần nào đã ảnh hưởng đến việc chủ động phòng, tránh và hiệu quả phòng, chống.

Nhiều địa phương, cơ sở vẫn có biểu hiện chủ quan, lơ là trước những hiểm họa thiên tai. Phương châm "bốn tại chỗ" chưa được thực hiện tốt ở nhiều huyện, xã, cho nên khi xảy ra mưa lũ, việc ứng phó kém hiệu quả; gây nhiều khó khăn trong việc ứng cứu, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của nhân dân vùng bị lũ chia cắt và ngập lụt. Các địa phương, nhất là cấp huyện, xã thường xuyên bị ngập lụt, còn quá thiếu phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng trong phòng, chống và né tránh thiên tai, tự bảo vệ mình còn yếu kém.

Nhiều cái chết do chủ quan, bất cẩn, nhất là trẻ em đi chơi, đi học trong khi mưa lũ, ngập lụt nghiêm trọng vẫn xảy ra trong năm nay là điều cần nhanh chóng khắc phục. Trong chiến lược phòng, chống thiên tai ở nước ta, đã có kế hoạch xây dựng các khu neo đậu tàu, thuyền tránh bão, nhưng việc triển khai còn chậm so với yêu cầu. Nhiều địa phương ở khu vực miền núi đã xây dựng được bản đồ các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao, nhưng việc di dời, tái định cư cho nhân dân còn gặp nhiều khó khăn về địa bàn tái định cư, về sản xuất để ổn định đời sống.

Thời tiết ở nước ta đã xuất hiện nhiều hiện tượng bất thường, trái quy luật và ngày một khắc nghiệt. Ðây là điều đã được các nhà khoa học trong nước và quốc tế cảnh báo. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn, cũng như các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương cần nhận thức đầy đủ, đề ra những giải pháp cụ thể, chủ động phòng, tránh một cách phù hợp, hiệu quả với thiên tai, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa, góp phần bảo đảm phát triển bền vững đất nước. Ðây cũng là yêu cầu quan trọng nhất trong chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại trong những năm tới./.

(Theo Nhân Dân chủ nhật)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất