Ngày 13/11, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo nếu không có một chương trình toàn diện phòng ngừa thảm họa thiên nhiên, thiệt hại kinh tế đối với 14 quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể lên đến mức khổng lồ.
Lời cảnh báo được đưa ra dựa trên kết quả một nghiên cứu của ADB, theo đó 14 quốc gia trong đó có Việt Nam, Bangladesh và Philiippines, chịu nguy cơ cao nhất về thiệt hại con người và kinh tế do thiên tai.
ADB nhấn mạnh rằng gần 90% GDP Việt Nam được tạo thành ở những khu vực rủi ro cao. Còn ở Bangladesh, tỷ lệ này là 86,5% GDP quốc gia. Nghiên cứu nhận xét: "Người dân ở châu Á-Thái Bình Dương có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên cao hơn 4 lần so với ở châu Phi, cao hơn 25 lần so với ở châu Âu và Bắc Mỹ.̃"
ADB kêu gọi đầu tư mạnh mẽ hơn cho các chương trình, dự án tập trung vào cải thiện khả năng phòng ngừa thiên tai. Theo ngân hàng này đánh giá, cứ 1 USD đầu tư cho giảm nguy cơ sẽ tiết kiệm được ít nhất 4 USD chi phí cứu trợ, khắc phục hậu quả trong tương lai. Một số quốc gia trong khu vực đang đẩy mạnh nỗ lực phối hợp trong vấn đề này.
Ngày 13/11, các nhà khoa học của Chính phủ New Zealand và Mỹ đã nhất trí mở rộng hợp tác trong nghiên cứu về biến đổi khí hậu và môi trường.
Cơ quan quốc gia về Khí quyển và Đại dương của Mỹ (NOAA) và Viện quốc gia nghiên cứu Khí quyển và Nguồn nước của New Zealand (NIWA) đã ký thỏa thuận mở rộng phạm vi các dự án nghiên cứu chung về khí quyển, khí hậu và đại dương, góp phần vào giải quyết những thách thức môi trường toàn cầu mà con người đang phải đối mặt.
Các lĩnh vực hợp tác trong tương lai giữa hai tổ chức này có thể bao gồm cả nghiên cứu tình trạng̣ axít hóa đại dương, cùng sử dụng tàu và khám phá đáy đại dương.
Cùng ngày 13/11, Australia cũng đã phát động kế hoạch hành động đầu tiên trong nỗ lực giảm lượng khí thải nhà kính trong ngành hàng không thông qua các biện pháp như cải thiện công nghệ hàng không, sử dụng nhiên liệu sinh học. Bộ trưởng Giao thông nước này Anthony Albanese đã nhấn mạnh đến tính cấp thiết của kế hoạch: "Hiện nay, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang tăng nhanh hơn hiệu suất lợi nhuận, điều đó có nghĩa là lượng khí thải cácbon hàng không sẽ tiếp tục tăng"./.
(TTXVN)