Công trình cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô, cao 27,9m, có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, mang tính giáo dục sâu sắc, khơi dậy và phát huy niềm tự hào dân tộc.
Ngày 26/4, Lễ thượng cờ và khánh thành cột cờ Tổ quốc đã diễn ra tại Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.
Đây là hoạt động ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng vùng mỏ (25/4/1955-25/4/2022), 61 năm Ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô (9/5/1961-9/5/2022).
Công trình cột cờ trên đảo Cô Tô do Trường Đại học Giao thông vận tải chủ trì và phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng huyện Cô Tô, được khởi công xây dựng ngày 14/3, có tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Cột cờ có chiều cao từ mặt đất tới đỉnh cột là 27,9m (có tỷ lệ 1:1 so với cột cờ tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội). Bệ móng được thiết kế giúp cột cờ có thể chịu được sức gió rất mạnh, bão trên cấp 12.
Ngoài ra, cột cờ được sử dụng kỹ thuật, công nghệ và vật liệu mới, tiên tiến nhất; phần cột cờ chính sử dụng ống thép kết cấu mạ kẽm nhúng nóng, đế móng sử dụng loại bê tông có cấp C35 (mác >400) và bêtông tính năng cao UHPC đảm bảo công trình có độ bền trên 70 năm trong điều kiện khí hậu biển đảo.
Cột cờ còn có phần chuyển động, tời, hệ thống điện được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết kế, cung cấp, thi công tạo ra sức kéo đủ căng trước gió mạnh biển đảo. Điều đặc biệt hơn nữa là hệ thống điện tử của bộ tời điều khiển lá cờ lên đỉnh cột đúng bằng thời gian bài Quốc ca được phát tại Quảng trường Ba Đình hay sử dụng cho các đại lễ lớn của đất nước.
Công trình cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, mang tính giáo dục sâu sắc, khơi dậy và phát huy niềm tự hào dân tộc, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo. Đồng thời, công trình góp phần củng cố, nâng cao nhận thức trong thế hệ trẻ, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí chiến lược của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô bày tỏ trân trọng cảm ơn Trường Đại học Giao thông vận tải và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời khẳng định, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo tiếp tục giữ gìn, bảo vệ Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên đảo Cô Tô.
Đây là điểm tựa tinh thần vững chắc của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân huyện đảo; đồng thời giáo dục cho các thế hệ trẻ lòng biết ơn, trách nhiệm bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc. Mỗi người dân Cô Tô sẽ là một cột mốc văn hóa, một chiến sỹ kiên cường bám trụ bảo vệ, xây dựng đảo tiền tiêu giàu đẹp, văn minh.
Huyện đảo Cô Tô vinh dự và tự hào là địa phương duy nhất trong cả nước được Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng lúc Người còn sống. Cô Tô được ví như viên ngọc xanh của vùng Đông Bắc Tổ quốc. Đến nay điện lưới quốc gia đã được đưa ra Đảo Trần.
Du lịch ngày càng phát triển, trình độ dân trí, cuộc sống của người dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 105 triệu đồng/người/năm. Cô Tô còn là huyện đảo đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới./.
Theo TTXVN