Thở là hiện tượng sinh lý bình thường của sự sống. Tuy nhiên, nhiều người không chú ý đến tầm quan trọng của việc thở hoặc thở không đúng nên sức khỏe kém, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, tim mạch ảnh hưởng đến lao động và tuổi thọ. Có người cho rằng thở đằng mũi hay đằng miệng cũng thế vì không khí đều vào được đến phổi. Đó là sai lầm lớn. Vậy thế nào là thở đúng? Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu cách thở đúng để bạn đọc tham khảo và áp dụng.
Thở đúng là thở đằng mũi, thở dài hơi, nhịp nhàng và thở sâu. Bình thường người lớn thở khoảng 16 lần trong 1 phút, dung lượng hô hấp chừng 500ml và lượng không khí qua phổi khoảng 8lít trong 1 phút. Nhưng khi vận động nhiều như chơi thể thao, lao động nặng thì tần số hô hấp tăng đến 40 - 50 lần/phút và lượng thông khí qua phổi cũng tăng 60 - 150 lít/phút.
Có nhiều cách tập thở, nhưng về nguyên tắc là làm sao hít được khí trời vào phổi tối đa và khi thở ra cũng đẩy được nhiều không khí ra ngoài, nói cách khác là làm sao cho sinh lượng thở tăng lên. Muốn vậy, bất cứ phương pháp tập thở nào cũng tìm cách vận dụng tối đa tính năng của các cơ tham gia vào động tác thở như các cơ ngực, cơ liên sườn, cơ bụng, cơ hoành, làm cho lồng ngực giãn nở và bóp lại hết sức khi hít vào và thở ra. Ngoài ra, còn những yếu tố khác như sức đàn hồi của các phế nang tốt, nhu mô phổi không bị xơ sẹo, khung ngực nở nang cân đối... Nhờ việc tập luyện hằng ngày nên các cơ nở nang, sức co giãn tăng, giúp cho hơi thở sâu và dài, nên việc chuyển khí được nhiều và mạnh sẽ làm tăng sức khỏe.
Muốn đạt được yêu cầu nói trên, tức là thở nhịp nhàng, sâu và đều thì nên tập thở bụng hay còn gọi là thở bằng cơ hoành.
Tập thở bụng có thể ở tư thế nằm, ngồi, đứng. Hít vào thong thả, nhịp nhàng, sâu và dài hơi bằng mũi, phình bụng cho cơ hoành đẩy xuống. Khi hít vào hết sức thì nín thở 2 - 3 giây rồi từ từ thở ra cũng hết sức đến khi không gắng được nữa, trong lúc đó bụng tự nhiên nhỏ lại.
Đối với những người mới tập thì tập thở bụng ở tư thế nằm là dễ nhất và tự mình có thể kiểm tra được sự vận động của cơ hoành, bằng cách đặt nhẹ bàn tay lên bụng để tự mình nhìn thấy sự cử động của bụng khi thở.
Thở bụng kèm tập trung tư tưởng tác động mạnh đến tất cả các hệ nội tạng của cơ thể, từ hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, không những để tăng cường thể lực mà còn được áp dụng chữa nhiều bệnh như hen suyễn, dạ dày, tăng huyết áp, suy nhược thần kinh... Phương pháp tập đơn giản, dễ dàng, ai cũng tập được, dù có bệnh hay không. Cần tập kiên nhẫn, lâu dài để trở thành một thói quen, bất cứ ở đâu, lúc nào cũng thở đúng cách, thở sâu và dài hơi sẽ đem lại cho bạn kết quả bất ngờ cho sức khỏe.
Theo Sức khỏe & Đời sống