Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 24/10/2016 10:32'(GMT+7)

Thổ Nhĩ Kỳ bị phản đối khi muốn “tiến vào” I-rắc và Xy-ri

Binh lính và vũ khí của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại một số khu vực ngoại ô Mô-xun. (Ảnh: Turkish Minute)

Binh lính và vũ khí của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại một số khu vực ngoại ô Mô-xun. (Ảnh: Turkish Minute)

I-rắc không cần tới sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 22/10, Thủ tướng I-rắc Hai-đơ An A-ba-đi (Haider al-Abadi) đã từ chối lời đề nghị từ phía chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc để nước này trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng thành phố Mô-xun, thành trì cuối cùng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại I-rắc. Phát biểu tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A-xtơn Ca-tơ (Ashton Carter) tại thủ đô Bát-đa (Baghdad), Thủ tướng Hai-đơ An A-ba-đi lên tiếng cảm ơn lời đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ, song nhấn mạnh rằng chiến dịch tấn công vào thành phố Mô-xun là do I-rắc khởi xướng và lên kế hoạch. Ông tuyên bố các lực lượng I-rắc sẽ là lực lượng nòng cốt, có đủ khả năng để giải phóng Mô-xun và những khu vực lân cận mà không cần tới sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Thủ tướng Hai-đơ An A-ba-đi đã liên tiếp yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi các khu vực đang đóng quân ở I-rắc; đồng thời tuyên bố chính phủ I-rắc không cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chiến dịch giải phóng Mô-xun "trong bất kỳ hoàn cảnh nào", bởi kế hoạch triển khai quân của An-ca-ra là vi phạm chủ quyền của I-rắc. Tuyên bố trên của Thủ tướng Hai-đơ An A-ba-đi được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A-xtơn Ca-tơ "đánh tiếng" về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tham gia chiến dịch tấn công Mô-xun.

Tuyên bố của Thủ tướng Hai-đơ An A-ba-đi cũng được cho là "giội gáo nước lạnh" vào ý định của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rơ-xép Tay-íp Ơ-đô-gan (Recep Tayyip Erdogan) khi ngày 17/10, ngày khai hỏa chiến dịch tại Mô-xun, rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng một vai trò trong chiến dịch giành lại quyền kiểm soát thành phố Mô-xun của chính phủ I-rắc. 

Quan điểm của I-rắc là nhất quán khi ngày 13/10, Bộ Ngoại giao I-rắc đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tới để phản đối tình trạng binh lính Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hiện diện ở miền Bắc I-rắc mà không được sự cho phép của Bát-đa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-rắc, A-mát Gia-man (Ahmed Jamal) cho biết: Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đã được trao "công hàm phản đối với những lời lẽ mạnh mẽ" về việc lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hiện diện gần Ba-si-ca (Bashiqa) và những tuyên bố mang tính xúc phạm gần đây của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lãnh đạo I-rắc. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang duy trì khoảng 2.000 binh sĩ tại I-rắc, trong đó có 500 quân đồn trú tại Ba-si-ca.

Việc I-rắc cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những nguồn cơn sâu xa. Quan hệ giữa I-rắc và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng kể từ cuối năm ngoái, khi An-ca-ra triển khai binh sĩ đến vùng Ba-si-ca, Đông Bắc thành phố Mô-xun - vốn bị IS tự xưng chiếm giữ từ hồi tháng 6-2014. Bát-đa coi đây là “sự xâm phạm rõ ràng” chủ quyền của I-rắc và đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ rút quân. Tuy nhiên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, việc các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện ở I-rắc là một phần của sứ mệnh quốc tế nhằm đào tạo và trang bị cho các lực lượng I-rắc chiến đấu chống IS. Tuy nhiên, chính Mỹ cũng thừa nhận các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tại I-rắc không phải là một phần trong phái bộ liên quân quốc tế. Từ Oa-sinh-tơn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Giôn Cơ-bi (John Kirby) nêu rõ các chiến dịch quân sự tại Mô-xun sẽ do quân đội I-rắc thực hiện và các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tại I-rắc không phải là một phần trong phái bộ liên quân quốc tế.

Dư luận khu vực lo ngại cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao giữa hai nước có thể kéo theo những tác động bất lợi nghiêm trọng đối với cuộc chiến chống IS.

Mỹ muốn “kéo” Thổ Nhĩ Kỳ vào hai vùng chiến sự?

Trong khi không được chào đón ở I-rắc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Ơ-đô-gan vẫn cho biết, nước này sẽ mở rộng chiến dịch của họ ở miền Bắc Xy-ri, trong đó có việc tiến vào các thành phố An Báp (al-Bab), Man-bi-gi (Manbij) và Rắc-ca (Raqqa) của Xy-ri. Theo ông R.Ơ-đô-gan, Thổ Nhĩ Kỳ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiến vào An Báp, bất chấp sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, bởi vì An-ca-ra cần chuẩn bị một khu vực "mà chủ nghĩa khủng bố đã được loại bỏ".

Ông Ơ-đô-gan cũng nói thêm rằng, nếu liên minh do Mỹ dẫn đầu sẵn sàng hành động cùng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm "mọi thứ cần thiết" để chống nhóm khủng bố IS ở Rắc-ca, nhưng cùng với các lực lượng liên minh và không có những chiến binh người Cuốc (Kurd) ở Xy-ri. Trước đó, các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công những mục tiêu của lực lượng dân quân người Cuốc thuộc phía Bắc A-lép-pô vào cuối ngày 19-10.

Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) ngày 21/10 nói rằng, Nga hết sức quan ngại trước những thông tin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang oanh kích các khu vực ở miền Bắc Xy-ri. Khi được hỏi quan điểm của Nga về việc chính phủ Xy-ri đe dọa bắn hạ các chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm không phận của nước này, ông Xéc-gây La-vrốp cho rằng, Xy-ri là một quốc gia có chủ quyền.

Rõ ràng, việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn tiến quân vào những vùng chiến sự nóng bỏng ở I-rắc, Xy-ri dưới “cái cớ” tiêu diệt IS và nhận được sự ủng hộ của Mỹ, khi hai nước vừa dẹp bỏ những bất đồng, đã cho thấy có những tính toán chung được cho là “không dễ chịu” cho các nước có chủ quyền như I-rắc hay Xy-ri. Cũng dễ hiểu cho những bức xúc của các nhà lãnh đạo hai nước này./.

Nguyễn Hòa


(Nguồn: Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất