Theo Nhật báo Phố Wall, hy vọng của "gã khổng lồ tìm kiếm" Google về
việc giải quyết dứt điểm vụ kiện tụng chống độc quyền với EU gần như đã
bị dập tắt khi các đối thủ các nhóm bảo vệ người tiêu dùng phản ứng dữ
dội trước thỏa thuận mới nhất của EU và Google.
Trước đó 2 tháng, “gã khổng lồ tìm kiếm” đã đề xuất thỏa thuận nói trên
với hy vọng làm vừa lòng cả nhà chức trách cũng như các đối thủ của họ,
sau rất nhiều lần thỏa thuận giữa các bên bị đổ bể vì không tìm được
tiếng nói chung.
Tuy nhiên, đề xuất trên đã vấp phải sự phản ứng không hài lòng từ phía
các đối thủ của Google. Các đồi thủ của Google cho rằng những đề xuất
của "gã khổng lồ tìm kiếm" là khá khiêm tốn và sẽ chẳng làm bất cứ điều
gì để cải thiện chất lượng dịch vụ tìm kiếm - vồn bị chỉ trích là "bất
công," chèn ép các đối thủ.
Theo các chuyên gia pháp luật cạnh tranh của EU, những phản ứng tiêu cực
trên đã gây sức ép lên trưởng cơ quan chống độc quyền của EU, Joaquín
Almunia, hoặc là đưa Google trở lại bàn đàm phán lần thứ ba hoặc nộp đơn
khiếu nại chính thức, và bắt đầu lại một quá trình điều tra mới có thể
dẫn tới việc tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Mỹ phải chịu một khoản
tiền phạt lớn.
Về phía ông Almunia, ông này cho biết ông hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận mới với Google vào đầu năm tới.
Google đang chiếm hơn 90% thị trường tìm kiếm Internet của EU, bị EU bắt
đầu điều tra cách đây ba năm về các cáo buộc độc quyền, chèn ép các đối
thủ.
Năm ngoái, cơ quan chống độc quyền EU đã đưa ra bốn nội dung điều tra
Google gồm hãng tìm kiếm của Mỹ không công bằng trong việc hiển thị kết
quả tìm kiếm; sao lưu các trang web cùng như các bản lỗi của các trang
web khác khi không được phép; buộc các nhà xuất bản ký giao dịch độc
quyền và can ngăn khách hàng sử dụng các trang web quảng cáo trực tuyến
khác.
Các cuộc đàm phán giữa Google và EU đã bắt đầu từ đó và cơ quan quản lý
của EU đã từ chối tập hồ sơ thỏa thuận đầu tiên với các biện pháp khắc
phục của Google, nộp vào tháng Tư, và kêu gọi Google làm tốt hơn.
Vào tháng 10 vừa qua, đã đưa ra một tập hồ sơ thứ hai với các đề xuất
thỏa thuận nhằm giải quyết những cáo buộc rằng hãng ngày chèn ép các đối
thủ trong kết quả tìm kiếm của dịch vụ tìm kiếm trực tuyến của hãng.
Gần như ngay lập tức, các điều khoản thỏa thuận trên đã vấp phải sự phản
ứng của các đối thủ Google cùng như các nhóm bảo vệ người tiêu dùng ở
EU.
Ủy ban châu Âu (EC) và cơ quan giám sát chống độc quyền, đã nói rằng bất
kỳ thỏa thuận với Google sẽ chỉ có hiệu lực nếu nhận được những phản
hồi tích cực từ phía người tiêu dùng. Và kết quả thăm dò mới nhất cho
thấy, đa số người tiêu dùng EU vẫn chưa thỏa mãn với những cải thiện từ
phía Google./.
Văn Hưng (Vietnam+)