Đã là tình cảm thì khó để phân chia chi li, tách bạch rạch ròi theo
kiểu “cân đong đo đếm” chính xác như tính toán trọng lượng, nhưng một
khi đã dấn thân vào con đường cách mạng và theo đuổi sự nghiệp chính trị
thì mỗi cán bộ, đảng viên rất nên giữ được sự tỉnh táo, minh mẫn cần
thiết để không bị tình cảm cá nhân chi phối, thiên vị trong giải quyết,
xử lý các mối quan hệ với đồng chí, đồng đội và với tổ chức, cơ quan,
đơn vị.
MỘT THÓI XẤU LÀ "MẢNH ĐẤT MÀU MỠ" CHO CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN PHÁT TRIỂN
Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân
tộc Việt Nam, thế hệ ông cha ta luôn phải nương tựa vào nhau, cố kết
chặt chẽ với nhau để đối phó, đẩy lùi mọi nguy cơ thiên tai địch họa.
Mặt khác, do điều kiện lao động sản xuất gắn bó với nghề trồng lúa nước,
người Việt thường sống co cụm bên nhau trong một dòng tộc, một cộng
đồng làng xã nhất định. Từ đặc điểm xã hội đó, ngoài tình yêu gia đình,
người Việt còn mang nặng tình cảm nội tộc, tình cảm cộng đồng thôn xóm,
tình cảm với “cái nôi” mình đã sinh ra. Truyền thống văn hóa “trọng
tình” có cái hay là giúp con người hướng về tổ tiên, gia đình, dòng họ,
quê hương xứ sở, sống có trách nhiệm với những người có quan hệ huyết
thống, thân thích với mình theo quan niệm: "Một giọt máu đào hơn ao nước
lã".
Tuy vậy, nếu quan niệm này phát triển lệch lạc, chi phối vào nếp nghĩ,
nếp sống và ứng xử dễ làm cho người ta chỉ nhìn cây mà không thấy rừng;
chỉ trông quẩn quanh với “một khoảnh”, một vùng mà chưa bao quát, vươn
tầm ra cái lớn lao, toàn cảnh; chỉ thiên về lợi ích riêng, cục bộ, trước
mắt mà chưa gắn kết với lợi ích chung, toàn bộ, lâu dài. Đây cũng là cơ
sở nảy sinh tâm lý cục bộ, bè phái-một thói ứng xử trái ngược với
truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, thủy chung của cộng đồng dân tộc ta;
đồng thời cũng là nguy cơ làm xói mòn nhân cách đạo đức, lối sống của
một bộ phận cán bộ, đảng viên và không phù hợp với mục tiêu xây dựng
những hệ giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân cách con người Việt Nam trong
thời đại Hồ Chí Minh.
Từ nhiều năm nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên chân chính và dư luận xã
hội không khỏi phiền lòng vì ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn
vị vẫn để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, thậm chí đấu đá, tranh
giành lợi ích chỉ vì tư tưởng “anh hùng nhất khoảnh”, thái độ “lôi bè
kéo cánh” và tâm lý “bè ai người nấy chống”. Có những nơi thoạt nhìn bề
ngoài thì tưởng như trên dưới đoàn kết, nhưng thực ra bên trong thì “năm
bè bảy mối”, nên người ta ví những nơi đó như “sóng ngầm dữ dội dưới
mặt nước bình yên”! Tư tưởng cục bộ, bè phái không chỉ bắt nguồn từ tư
duy hành xử thiển cận “phép vua thua lệ làng”, mà còn bộc lộ ở các hành
vi biến lợi ích công thành lợi ích tư; biến lợi ích cộng đồng, lợi ích
tập thể thành lợi ích thiểu số của một nhóm cá nhân.
Quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước thực chất là quyền lực của nhân
dân, nhưng thời gian qua, dư luận không khỏi bức xúc khi nhiều nơi xuất
hiện tình trạng “một người làm quan cả họ được nhờ”, “cấp ủy nội tộc”,
“chi bộ dòng họ”, “hội đồng nhân dân thôn ta”… Ở nhiều địa phương, cơ
quan, đơn vị, thói cục bộ, bè phái dễ có cơ hội xuất hiện vào những thời
điểm nhạy cảm, như: Quyết định về công tác nhân sự (lấy phiếu quy
hoạch, lấy phiếu tín nhiệm…), bầu cử trong đại hội hay trong hội nghị
biểu quyết đầu tư các dự án quan trọng. Nếu những người nắm giữ trọng
trách trong các cơ quan, đơn vị mà không quang minh chính đại, không vì
lợi ích chung, không biết "cầm cân nảy mực" thì rất dễ để cho các “nhóm
lợi ích” lèo lái, thậm chí tranh giành, “xâu xé” lẫn nhau khiến nội bộ
thêm lục đục, rối ren. Đây là “mảnh đất màu mỡ” cho chủ nghĩa cá nhân
phát triển, chủ nghĩa cơ hội lộng hành.
XỬ LÝ ĐÚNG ĐẮN, GIẢI QUYẾT HÀI HÒA MỐI QUAN HỆ CHUNG-RIÊNG, TẬP THỂ-CÁ NHÂN, XÃ HỘI-GIA ĐÌNH
Đọc lại lịch sử mới thấy các bậc tiền bối đã cảnh báo rất sớm về sự
nguy hại của thói cục bộ, bè phái. Cách đây 110 năm, ở chương 5 có tiêu
đề “Sự thịnh suy của dân quyền và dân trí nước ta” trong cuốn “Việt Nam
quốc sử khảo” (1909), chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940) đã chỉ ra 5 “điều
rất ngu” của một bộ phận dân chúng thời bấy giờ, trong đó có hai “điều
rất ngu” ám chỉ thói cục bộ là: “Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp
quần” (“hợp quần” được hiểu là đoàn kết) và “Thương tiếc của riêng,
không tưởng đến việc ích chung”. Cảnh báo những “điều rất ngu” trên,
Phan Bội Châu như muốn nhắc nhở, thức tỉnh mọi người dân Việt muốn thoát
khỏi cảnh lầm than nô lệ thì cần phải khắc phục cho được sự hẹp hòi của
cá nhân, chỉ biết lợi của riêng mình mà không nghĩ đến sức mạnh đoàn
kết dân tộc, lợi ích quốc gia đang bị chế độ thực dân phong kiến chà
đạp.
Sau khi nước nhà giành được độc lập hai năm, lúc viết tác phẩm “Sửa đổi
lối làm việc” (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra một
trong những căn bệnh mà một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc phải là “kéo
bè kéo cánh”, từ bè cánh mà đi đến chia rẽ. Bác Hồ khẳng định bệnh này
“rất nguy hiểm”, “rất tai hại cho Đảng”, vì: “Nó làm hại đến sự thống
nhất... Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những
mối nghi ngờ”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai
thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về
xây dựng Đảng hiện nay” ngày 27-2-2012 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng cho rằng, trong số các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối
sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, thì: “Nhân dân và dư luận xã hội
quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái,
cục bộ, lợi ích nhóm ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong
một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước”.
Không ngẫu nhiên mà các bậc tiền bối cách mạng, các lãnh tụ, lãnh đạo
của Đảng lại coi bệnh cục bộ, bè phái là “điều rất ngu”, là bệnh “rất
nguy hiểm”, là vấn đề nhân dân “bức xúc nhất”. Bởi lẽ căn bệnh này không
chỉ gây tổn hại đến sức mạnh đoàn kết thống nhất, sức mạnh kỷ luật,
năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong Đảng nói chung, trong mỗi tổ
chức đảng nói riêng mà còn làm xấu hình ảnh của Đảng, hình ảnh cán bộ,
đảng viên trong mắt nhân dân. Vì nói đến cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng
sản Việt Nam là nói đến tinh thần hy sinh, cống hiến vì dân, vì nước;
là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao
động và dân tộc Việt Nam; là hạt nhân và biểu tượng đoàn kết trong xã
hội.
Do vậy phòng, chống, đấu tranh với mọi biểu hiện cục bộ, bè phái là một
trong những nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách nhằm làm trong sạch bộ máy
công quyền hiện nay. Để đẩy lùi biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống
này, một mặt cần đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng
viên trong việc “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con
ngươi của mắt mình”; mặt khác luôn quan tâm chăm lo xây dựng cấp ủy, tổ
chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, giữ vững và phát huy truyền
thống dân chủ, thương yêu đồng chí lẫn nhau trong Đảng; tôn trọng những
đảng viên có ý kiến khác biệt nhưng không làm phương hại đến mục tiêu,
lợi ích chung của tập thể, cộng đồng và đất nước.
Muốn vun đắp tinh thần đoàn kết thật sự, cần chú trọng giáo dục nâng
cao bản lĩnh chín chắn, thái độ trung thực, đức tính khiêm nhường, tinh
thần cao thượng cho mỗi cán bộ, đảng viên. Bản lĩnh để không bị người
khác lèo lái vào “cánh hẩu” vì những động cơ, mục đích thiếu lành mạnh.
Trung thực để thể hiện tính khảng khái, công tâm của bản thân và nói
“không” với các biểu hiện theo đuôi, a dua sai trái. Khiêm nhường để
lắng nghe, học hỏi, tiếp thu cái hay, cái tốt của đồng chí, đồng đội và
cũng là để tránh xa thái độ hẹp hòi khi nhìn nhận, đánh giá người khác.
Cao thượng để ứng xử thân thiện, nhân nghĩa với anh em trong cơ quan,
đơn vị, không để “cái tôi” cá nhân lấn át “cái ta” tập thể dễ dẫn đến
những rạn nứt, sứt mẻ không đáng có trong nội bộ.
Một điều không kém phần quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là
cán bộ chủ chốt cần chú trọng giải quyết hài hòa, xử lý đúng đắn các mối
quan hệ chung-riêng, tập thể-cá nhân, xã hội-gia đình; không để tư duy,
quan niệm, lối sống duy tình, thân hữu chi phối vào việc công, lợi ích
công và ảnh hưởng đến các mối quan hệ, đoàn kết thống nhất trong tổ
chức, cơ quan, đơn vị./.
Thiện Văn (qdnd.vn)