Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 13/10 là giới doanh nhân cả nước lại có dịp gặp gỡ, giao lưu và náo nức kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam với nhều hoạt động ý nghĩa. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế trong gần 4 năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ, yếu chấp nhận bỏ cuộc chơi. Những doanh nghiệp nào còn trụ vững qua các đợt bão kinh tế vừa qua, chứng tỏ họ có tiềm lực và đều xứng đáng được tôn vinh.
Tìm cơ hội trong khó khăn
Trong bối cảnh nền kinh tế cả trong và ngoài nước còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải chật vật để sinh tồn và phát triển nhưng theo nhân định của nhiều chuyên gia, thời điểm này cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra các doanh nghiệp lớn và phát triển bền vững.
Mỗi lần biến động là một lần thanh lọc các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả và tạo ra những doanh nghiệp lớn có năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng được coi như một cơ thể sống có “sinh, lão, bệnh, tử,” những doanh nghiệp nào biết giữ cơ thể khỏe mạnh tất sẽ có cuộc sống trường tồn và phát triển.
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, hiện có một bộ phận nhỏ doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang còn tràn đầy sức sống, duy trì nhịp độ tăng trưởng 30-50%/năm.
Theo ông, dường như, tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu và trong nước không ảnh hưởng đến họ. Đây là một bộ phận các doanh nghiệp đã hội tụ được những điều kiện phát triển bền vững. Họ có hệ thống quản trị tốt, có năng lực cạnh tranh, hoạt động trong những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Họ chủ động tích hợp vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Chiến lược đa dạng hóa thị trường giúp họ tránh được rủi ro khi nền kinh tế biến động. Phần lớn số doanh nghiệp đó thường không mạo hiểm. Họ có một hệ thống quản trị ứng phó những rủi ro, khủng hoảng tốt.
Khủng hoảng là điều không ai mong muốn, song Tổng giám đốc Kinh Đô Trần Lệ Nguyên cho rằng đó cũng chính là cơ hội để các đơn vị có thực lực vượt lên. Điều cốt lõi là doanh nghiệp phải bắt nhịp được với thị trường, đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng mua sắm của người tiêu dùng.
Ông Nguyên cho biết, thời gian qua, Kinh Đô đầu tư đa ngành nhưng hiện tại đã thoái vốn một số khoản đầu tư và tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của mình là thực phẩm. Dù những ngành hàng chính của công ty vẫn phát triển nhưng trong điều kiện này, Kinh Đô phải tìm mọi cách để tiết giảm chi phí giá thành, sản xuất ra nhiều sản phẩm mới mang tính sáng tạo và khác biệt cũng như tăng cường bán hàng bằng nhiều hình thức.
Một trong những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng của công ty hiện nay là đẩy mạnh tham gia các hội chợ thế giới nhiều hơn để tăng xuất khẩu.
Đồng tình với quan điểm này, lãnh đạo của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng chia sẻ, bí quyết của Vinamilk là luôn phân tích chính mình và không nhất thiết phải theo xu hướng đám đông. Bằng chứng là cách đây vài năm, có người tư vấn với tiềm lực và thế mạnh sẵn có, Vinamilk nên mở rộng sang ngành thực phẩm. Song sau hai năm phát triển một số mặt hàng, công ty thấy không hiệu quả nên đã bán những nhãn hàng đó, tập trung chuyên sâu cho ngành sữa nhiều hơn.
Xác định hướng đi đúng cho riêng mình
Thực tế cũng cho thấy, khủng hoảng vừa là hiểm nguy vừa là cơ hội để chính các lãnh đạo doanh nghiệp rà soát, xác định chiến lược kinh doanh, tổ chức và tái cấu trúc doanh nghiệp để hướng đến những giá trị trụ vững và lâu bền.
Đơn cử như doanh nghiệp vàng bạc đá quý Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh), trong thời kỳ khủng hoảng, dù đang rất phát triển nhưng để vươn tới thị trường khó tính châu Âu, Mỹ, lãnh đạo doanh nghiệp này đã mạnh dạn thực hiện tái cấu trúc. Kết quả doanh nghiệp đã tái cấu trúc thành công và gặt hái được nhiều thành tích như trở thành công ty số 1 Việt Nam về ngành hàng vàng bạc đá quý và có hệ thống bán lẻ rộng khắp cả nước, Top 50 công ty niêm yết lớn nhất trên sàn chứng khoán, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm…
Đại diện Công ty cổ phần Thanh Hà chia sẻ: Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, năm nay, Thanh Hà đã có những bước đi mới để thích ứng với hoàn cảnh. Đó là, cắt giảm các chi phí không cần thiết để hạ giá thành sản phẩm, đưa ra các sản phẩm phù hợp và đi sâu vào thị trường, đi xuống từng khu vực nhỏ nhất.
“Điều này khác so với những năm trước là chỉ thông qua hệ thống bán hàng thì nay trực tiếp tới tận người tiêu dùng để nắm bắt nhu cầu và đưa ra những phương án tốt nhất cho sản phẩm,” lãnh đạo Công ty Thanh Hà nói.
Ông Lộc nhận định, trước mắt, năm 2012 và năm 2013 tiếp tục là giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Do đó, để doanh nghiệp trụ vững được là yêu cầu quan trọng nhất lúc này của các doanh nhân. Muốn trụ vững được phải có niềm tin, phải xác định được con đường đúng cho mình. Mỗi doanh nhân phải nhìn lại mình, định vị và xác định lại chiến lược, cơ cấu lại quản trị, hướng sự phát triển theo trào lưu chung của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, đó là hướng tới sự phát triển bền vững.
Ông Lộc cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng - yêu cầu quan trọng nhất để giúp các doanh nghiệp có thể tái cấu trúc. Chừng nào cơ chế xin - cho còn tồn tại thì lúc đó khó có thể tái cấu trúc theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh. Một môi trường minh bạch khuyến khích cạnh tranh là điều kiện quan trọng bậc nhất để doanh nghiệp tái cấu trúc.
Về phần mình, VCCI với tư cách là người đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đưa ra kiến nghị đối với Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực điều hành của các cấp chính quyền theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, VCCI cũng tăng cường công tác thông tin cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các thông tin về thị trường, cảnh báo rủi ro, tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư./
TTX