Trong một nghiên cứu chính thức đầu tiên trên thế giới, các công chức ở thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia đã được yêu cầu rời khỏi “bàn giấy” để xem liệu rằng đi lại nhiều hơn trong ngày có giúp cải thiện sức khỏe của họ hay không.
Nghiên cứu đối với 320 công chức Melbourne được thực hiện sau khi một khảo sát của Đại học Sydney với sự tham gia của 222.000 người ở bang New South Wales cho thấy trong vòng ba năm, những người ngồi lỳ 11 tiếng hoặc nhiều hơn mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao hơn 40% so với những người ngồi ít hơn 4 tiếng mỗi ngày.
Những người ngồi từ 8-11 tiếng mỗi ngày thì có nguy cơ tử vong cao hơn 15%.
Giáo sư David Dunstan- chuyên gia nghiên cứu các hoạt động thể chất tại Viện các bệnh Tim mạch và Đái tháo đường Baker IDI- cho biết khảo sát trên là một trong nhiều minh chứng về mối liên hệ giữa việc ngồi liên tục trong một thời gian với nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu chịu khó cứ 20 phút lại rời khỏi chỗ ngồi đi ra ánh sáng trong vòng 2 phút thì sẽ cải thiện được quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Để đánh giá sâu hơn, Giáo sư Dunstan chia 320 công chức Melbourne thành hai nhóm.
Một nhóm được cấp những chiếc ghế có thể điều chỉnh chiều cao giúp họ ngồi và đứng trong khi làm việc. Họ cũng được huấn luyện cách di chuyển nhiều hơn và đeo dụng cụ đo thời gian, khoảng cách và mức độ hoạt động. Nhóm khác tiếp tục làm việc theo cách ngồi như cũ.
Kết quả thử nghiệm cho thấy cơ thể nhóm một có sự chuyển hóa glucose và các chất béo tốt hơn, huyết áp và các thành phần máu ổn định hơn.
Với nghiên cứu cho thấy phần lớn các công chức “bàn giấy” Australia ngồi tới gần 3/4 thời gian trong ngày, Giáo sư Dunstan cảnh báo đã đến lúc mọi người phải di chuyển nhiều hơn trong cả ngày, thay vì chỉ tập trung hoạt động thể dục khoảng 30 phút.
Trước tình trạng nhiều người ngồi nhiều hơn ngủ, Giáo sư Dunstan cho rằng giới chức y tế Australia cần hướng dẫn người dân hoạt động thể chất ngoài trời nhiều hơn./.
Võ Giang/Australia (Vietnam+)