Trong khi người chăn nuôi điêu đứng vì dịch lợn tai xanh lây lan trên diện rộng, giá thực phẩm xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ, nhưng người tiêu dùng lại phải đối mặt với nguy cơ thực phẩm bẩn, thực phẩm mất vệ sinh do tình trạng nhập lậu qua biên giới. Nguyên nhân chính là do một số địa phương còn buông lỏng công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, nhất là tại các tỉnh biên giới.
Buông lỏng kiểm dịch
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết: Hiện Bộ đã cấp gần 300.000 liều vắc xin cho các địa phương phòng chống dịch tai xanh nhưng sử dụng đạt hiệu quả kém do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, không tích cực vào cuộc mà xảy ra tình trạng khoán trắng cho cơ quan Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng trên thực tế, cơ quan Thú y làm không nổi thì khoán trắng cho dân, dân có tiêm phòng hay không cũng không biết và không quản lý được, gây ra tình trạng lãng phí vaccine, lãng phí ngân sách. Đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch đã rà soát và thu hồi được mấy nghìn liều vaccine, nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì dịch lây lan trên diện rộng là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, tình trạng buông lỏng kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển giết mổ cũng là nguyên nhân làm dịch lây lan trên diện rộng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận: Sau hơn 4 tháng dịch tai xanh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và tiếp tục lây lan ra các tỉnh, thành phố phía Nam, công tác chống dịch của một số địa phương yếu kém, nhất là ở khâu kiểm dịch và vận chuyển gia súc ốm ra khỏi khu vực dịch đang có vấn đề. Ngoài ra, tình hình nhập lậu qua biên giới các sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm cũng góp phần khiến dịch lây lan. Tình hình nhập lậu gia súc qua biên giới vẫn diễn ra nhiều năm nay kể cả thời điểm đang có dịch. Hiện lực lượng quản lý thị trường, thú y không thể đủ lực lượng rải quân dọc biên giới để kiểm soát, ngăn chặn những người gồng gánh hàng lậu qua biên giới. Ông Sơn cho rằng, cách nắm các “đầu nậu” để kiểm soát buôn bán qua biên giới là điều chắc chắn làm được, vấn đề là có làm hay không và cách làm như thế nào để không tái diễn tình trạng buôn lậu, kiểm soát được dịch bệnh và quản lý được chất lượng thực phẩm.
Báo động tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong tháng 6, các lực lượng chức năng đã bắt được hàng loạt vụ tuồn “thịt thối” vào thị trường nội địa. Điển hình là ngày 17/6, lực lượng chức năng trên địa bàn Lạng Sơn đã thu giữ gần 95 tấn nầm lợn thối có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đầu tuần, tỉnh Lào Cai đã thu giữ hơn 450 kg nội tạng và 470kg chân giò lợn đã bốc mùi hôi thối. Mới đây nhất là lực quản quản lý thị trường tỉnh Nghệ An tiếp tục phát hiện 1,2 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, được vận chuyển bằng xe khách. Đáng chú ý là ngày 27/6, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng bắt được 2 xe khách chở bì lợn và thịt đã bốc mùi… Điều đáng nói là toàn bộ số lượng hàng hóa nhập lậu khi bị bắt giữ mới chỉ là phần nổi do không tìm được chủ hàng, đây là vấn đề “nhức nhối” cần sự quyết tâm vào cuộc của tất cả các ngành để xử lý triệt để, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần khẳng định: Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi hiện còn nhiều bất cập, đặc biệt là đối với việc kiểm soát gia súc mắc bệnh tại các vùng dịch, cũng như kiểm soát gia súc nhập lậu, nhưng không có nghĩa là không giải quyết được. Vì vậy, rất cần sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương để vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm soát./.
Thu Hà - TTXVN