Thứ Hai, 23/9/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 2/7/2012 1:19'(GMT+7)

Trận "so giày đỉnh cao"

Pha tranh bóng trong trận vòng bảng Tây Ban Nha (áo đỏ) và ItaliaPha tranh bóng trong trận vòng bảng Tây Ban Nha (áo đỏ) và Italia

Pha tranh bóng trong trận vòng bảng Tây Ban Nha (áo đỏ) và ItaliaPha tranh bóng trong trận vòng bảng Tây Ban Nha (áo đỏ) và Italia

 Ngay từ trận đầu tiên của bảng C giữa Tây Ban Nha và Italia kết thúc với tỷ số 1-1, giới truyền thông Tây Ban Nha đã dự đoán rằng, Italia sẽ là đối thủ của họ ở trận chung kết. Quả là các nhà chuyên môn có cái nhìn tinh tường về đội tuyển Italia. Đội bóng của HLV Prandelli lần lượt tiến vững chắc đến trận bán kết với đội tuyển Đức được nhiều người đánh giá cao hơn. Nhưng sau trận thắng đầy thuyết phục 2-1 trước người Đức, người ta mới nhận ra rằng, Italia mới là đội bóng xuất sắc hơn. Các cầu thủ Đức từng chơi tưng bừng, áp đảo đối thủ bỗng trở nên vụng về, lúng túng trước các cầu thủ Italia. 'Hoàng đế' bóng đá Đức F. Beckenbauer nói rằng, ông không nhận thấy một đội Đức đích thực như từng thấy trước đó. Có thể lý giải điều này, các cầu thủ Đức vẫn là họ, vẫn chủ động chơi tấn công khắp mặt sân và nếu là đối thủ dưới cơ, sẽ sớm bị 'gục ngã', nhưng trước những cầu thủ Italia dày dạn kinh nghiệm, giàu chất kỹ thuật và rất tinh quái, cầu thủ Đức không thể áp đặt lối chơi lên đối thủ, ngược lại bị đối phương 'dẫn dụ' vào thế trận được giăng mắc rất tinh vi... và trở nên lúng túng, mắc sai lầm và rốt cuộc là thua 'tâm phục khẩu phục'.

Nói đến hành trình của đội tuyển Italia tại Euro 2012, không thể không liên tưởng đến những hoàn cảnh 'đặc biệt' mà họ mắc phải để rồi thành công trong sự ngỡ ngàng của thế giới bóng đá. Đó là, mỗi khi vướng vào 'bê bối' trước một giải đấu lớn, đội tuyển Italia đều giành ngôi vô địch : năm 1982, một số cầu thủ Italia bị dính vào vụ bê bối bán độ, trong đó có trung phong P. Rossi. Thế mà, năm đó, Italia giành ngôi vô địch thế giới và P. Rossi còn là 'Vua phá lưới'. Năm 2006, đội tuyển Italia tưởng như suy sụp cũng với vụ bê bối tương tự, nhưng một lần nữa F. Cannavaro và đồng đội lên đoạt cúp vô địch thế giới. Trước khi bước vào vòng chung kết Euro 2012, một số cầu thủ Italia bị bắt vì dính vào vụ án bán độ mới. Lần này, đội tuyển Italia cũng không được đánh giá cao, nhưng người ta cũng không thể không nhắc đến hai 'sự kiện đặc biệt' song hành với thành công của đội tuyển Italia để đoán định 'số phận' của họ, mặc dù điều này không có căn cứ để khẳng định.

Về chuyên môn, có thể thấy rằng, các cầu thủ Italia đang ở thời điểm có phong độ và thể lực rất tốt. Trải qua những trận đấu căng thẳng và kéo dài (như trận tứ kết 12 phút trước đội Anh), các cầu thủ Italia vẫn rất dẻo dai đáng ngạc nhiên và xử lý bóng rất chính xác, thông minh và dù thua thiệt vể thể lực, khiến các cầu thủ Đức phải đối phó vất vả. Ở cả ba tuyến, Italia đều có những ngôi sao đang toả sáng, thủ môn G. Buffon cùng hàng tứ vệ chắc chắn, tiền vệ De Rossi, A. Piro đến cặp tiền đạo sắc bén Balotelli – Cassano...Đội tuyển Italia chơi cực kỳ gắn kết và ăn ý, có thể đối phó với mọi lối chơi, mọi đối thủ, từ trình độ kỹ thuật cao như Tây Ban Nha, hay mạnh mẽ, tốc độ như Đức. Về nghệ thuật chơi phòng ngự phản công thì các cầu thủ Italia có thể được coi là bậc thầy, nhưng Italia của Euro 2012 là một Italia chơi tấn công rất chủ động, rất đa dạng và đẹp mắt. Càng vào sâu, các cầu thủ Italia càng chơi xuất sắc. Đối thủ Tây Ban Nha chắc chắn nhận rõ điều này.

Sau đội tuyển Đức, Tây Ban Nha là đội bóng ba lần liên tiếp lọt vào trận chung kết của ba giải lớn châu Âu và thế giới (Đức : Euro 1972, World Cup 1974 và Euro 1976 – Tây Ban Nha : Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012), nhưng Đức chỉ giành hai ngôi vô địch (1972 và 1974)., còn Tây Ban Nha cũng hai lần vô địch và có thể là cả ba lần nếu thắng Italia trận này. Chưa biết liệu Tây Ban Nha có lập kỷ lục thế giới về 'cú hat-trick' hay không, nhưng chắc chắn thầy trò HLV Vicente del Bosque sẽ phải 'đau đầu' trước trận so tài cực kỳ khắc nghiệt sắp tới. Có thể thấy đội tuyển Tây Ban Nha vẫn ở trên tầm những đội bóng mà họ đã vượt qua, nhưng có phần suy yếu so với chính họ hai năm trước đây, do vắng mặt tiền đạo chủ lực D. Villa, trung vệ C. Puyol và nhất là 'nhạc trưởng' Xavi đã qua thời đỉnh cao. Cầu thủ này chơi mờ nhạt sau 5 trận vừa qua. Chính vì thế, Tây Ban Nha không còn dễ dàng áp đặt được lối chơi lên đối thủ, nhất là trận bán kết với Bồ Đào Nha. Lối chơi tiqui-taka vốn làm mê hoặc đối phương với những pha dàn xếp tấn công đầy quyến rũ và hiệu quả, nay trở nên nhàm chán. Trước những đội bóng mạnh, HLV Del Bosque thường bố trí đội hình có phần 'tiêu cực' 4-6-0. Không có tiền đạo, nhiệm vụ ghi bàn được giao cho các tiền vệ như C. Fabregas, Iniesta... Đội hình này khiến Tây Ban Nha khó thua, nhưng cũng khó thắng (điển hình là trận hoà 0-0 sau 120 phút với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha không ghi được bàn thắng và tạo ra quá ít cơ hội). Có lẽ ông Del Bosque không mạo hiểm xếp F. Torres ra sân từ đầu, mà vẫn áp dụng lối chơi giữ bóng chắc và chờ thời. Nhiều khả năng F. Torres chỉ được vào sân khi Tây Ban Nha bị dẫn bàn.

Đối phó với Italia, Tây Ban Nha cũng có hàng tiền vệ được xem là mạnh nhất châu Âu với những ngôi sao như Xavi, Iniesta, Alonso, Silva... Khu vực giữa sân sẽ là nơi tranh chấp quyết liệt của hai hàng tiền vệ xuất sắc nhất. Giới hâm mộ chờ đợi hai 'nhạc trưởng' Pirlo (Italia) và Xavi (Tây Ban Nha) trổ tài kiến thiết. Nếu như Tây Ban Nha có cặp tiền vệ tấn công rất nguy hiểm là Iniesta và Fabregas thì Italia có cặp tiền đạo 'khủng' Cassano – Balotelli.

Chỉ có thể nói, trận đấu của những ngôi sao được dẫn dắt bởi hai nhà cầm quân tài ba Prandelli – Del Bosque, là cuộc 'so giày thượng đỉnh' !

 HOÀNG NGUYÊN /Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất