Cùng với dự thảo Luật An ninh mạng, sáng 12/6, các đại biểu Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua hai dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và Luật Tố cáo (sửa đổi); biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. (Ảnh: TTXVN)
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương
Với 95,28% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Luật có 10 chương và 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, có ý kiến đề nghị sửa lại quy định tại khoản 3 Điều 50 dự thảo Luật đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, tương tự như quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, xem xét có thể kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm của các chức danh này lên bảy năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương do Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Việc quy định thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong đó bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm là để bảo đảm tính độc lập trong việc thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh. Quy định về bổ nhiệm và nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong năm năm là phù hợp với Quy chế bổ nhiệm cán bộ, công chức của Chính phủ.
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 53 dự thảo Luật nội dung về chủ thể thành lập cơ quan điều tra, cơ cấu tổ chức của cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh thuộc Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thành lập, gồm Thủ trưởng cơ quan điều tra và các điều tra viên có chức năng điều tra các hành vi vi phạm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Điều 46 dự thảo Luật quy định cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng khác là bộ máy giúp việc của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Do vậy, các quy định liên quan tới cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Tuy nhiên, Luật quy định điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 được tiếp tục xem xét, giải quyết như sau: Hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý nếu được xác định không vi phạm quy định của Luật này thì được đình chỉ điều tra, xử lý. Hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà vẫn bị xác định vi phạm quy định của Luật này thì tiếp tục bị điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật này.
Trường hợp hình thức xử lý hoặc mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm theo quy định của Luật này cao hơn quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 thì áp dụng theo quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11.
Tố cáo bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp
Với tỷ lệ 96,1% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi).
Luật gồm chín chương, 67 điều quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.
Về hình thức tố cáo, Luật quy định việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật cho biết, đa số ý kiến đề nghị giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để bảo đảm tính khả thi. Một số ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn điện thoại… Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành.
Đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức nêu trên, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật (Điều 25 của dự thảo Luật).
Liên quan đến bảo vệ người tố cáo, Luật quy định: Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ).
Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Luật Tố cáo (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Chấn chỉnh kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công
Với 95,48% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Quốc hội quyết nghị phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017. Bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm: vay trong nước 197.165 tỷ đồng; vay ngoài nước 51.563 tỷ đồng.
Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và nghiên cứu, thực hiện các đề xuất được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 1024/BC-UBTCNS14 ngày 18/5/2018 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp khẩn trương rà soát, phê duyệt quyết toán các dự án sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đã hoàn thành đồng thời có biện pháp khẩn trương chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công hoàn thành, chậm phê duyệt quyết toán.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân các cấp trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của cấp mình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Ngoài ra, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và báo cáo cụ thể với Quốc hội về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2016 khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Giám sát về phòng cháy, chữa cháy và quản lý sử dụng đất đai tại đô thị
Với 92,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.
Nghị quyết nêu rõ: Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.
Quốc hội cũng xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có); xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6 đồng thời tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.”
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo công tác năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án, về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.
Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có); xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề bức xúc, nổi lên từ kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (nếu có); xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, việc tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo.
Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”.
Nghị quyết nhấn mạnh: Căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình và tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng, Ủy ban. Căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, phối hợp và tiến hành hoạt động giám sát, báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát; tổng hợp và báo cáo kết quả việc thực hiện chương trình giám sát.
Các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có liên quan có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
(TTXVN)