Thực tế cho thấy, thời gian qua, còn một bộ phận cấp ủy, tổ chức đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sa vào chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, cơ hội thực dụng, tham nhũng, lãng phí, “tư duy nhiệm kỳ và bệnh thành tích”, “lợi ích nhóm”, “chủ nghĩa thân hữu”, tự tung tự tác, thao túng, thâu tóm, lũng loạn quyền lực, vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng tộc, quên đi bổn phận với Đảng, với nhân dân, với dân tộc. Dẫn đến tình trạng “tham nhũng chính trị”, “tham nhũng cơ chế, chính sách”, “tham nhũng đỏ”, “tham nhũng xám”, “tham nhũng quyền lực” thông qua việc tác động, can thiệp, đem “tiền”, đem “tình” để chạy, hoặc “bắc thang cho trèo”, hoặc “nâng đỡ không trong sáng”, hoặc “túm tóc” người nhà, người thân, người đem tiền, đem tình ra chạy đưa vào những chức vụ, những vị trí quan trọng, “béo bở”, “mầu mỡ”, có nhiều thuận lợi, cơ hội thăng tiến thông qua việc chỉ định, bổ nhiệm, bầu cử, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác bằng mọi cách và bằng mọi giá, bất chấp tiêu chuẩn, điều kiện không đủ, quy trình, thủ tục không đúng, không bảo đảm. Dẫn đến hậu quả chỉ tìm được người thân, người nhà, người chịu chạy, người thiếu đức, kém tài, mà không tìm được người thật sự có đức, có tài, phù hợp với vị trí đảm nhiệm.
Thời gian qua, trong quá trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo cho thấy, một số cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa chủ động tự giác kiểm điểm, tự phê bình, tự kiểm tra, tự nhận trách nhiệm về khuyết điểm, vi phạm và mức độ, hình thức xử lý (kể cả khi tổ chức đảng có thẩm quyền đã kết luận có khuyết điểm, vi phạm); chưa chủ động phối hợp với chủ thể kiểm tra yêu cầu và chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới tự giác kiểm điểm; chưa thực hiện nghiêm quy trình xử lý kỷ luật trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện cho cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới, cán bộ, đảng viên kiểm điểm, tự phê bình, tự kiểm tra và chưa nêu cao ý thức phê bình, góp ý cho đối tượng kiểm tra có khuyết điểm, vi phạm. Điển hình như các vụ việc ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; ở Thanh Hóa, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Quảng Nam... hầu hết các tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, kể cả cán bộ cao cấp chưa tự giác kiểm điểm, tự phê bình, tự kiểm tra, tự nhận trách nhiệm và hình thức kỷ luật đúng với nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân vi phạm (thường không nhận hoặc nhận hình thức kỷ luật thấp hơn mức độ lỗi phạm); tổ chức đảng tính chiến đấu kém, không đề nghị hoặc đề nghị hình thức kỷ luật đối với đảng viên được kiểm tra thấp, chưa đúng với mức lỗi phạm, gây bức xúc trong dư luận.
Song, cũng đã xuất hiện một số trường hợp cán bộ được kiểm tra khi thực hiện quy trình xử lý kỷ luật, đã tự giác kiểm điểm, tự phê bình, tự kiểm tra, tự nhận trách nhiệm về khuyết điểm, vi phạm và nhận hình thức kỷ luật theo đúng kết luận kiểm tra của tổ chức đảng có thẩm quyền. Tổ chức đảng nơi đảng viên công tác, sinh hoạt cũng đã nhận thức đúng, nêu cao trách nhiệm trong việc phê bình, góp ý kiến về khuyết điểm, vi phạm của đồng chí mình và bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật đúng với kết luận của tổ chức đảng có thẩm quyền.
Về vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập trong bối cảnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua, bên cạnh kết quả, thành tích đã đạt được, cũng còn những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, thậm chí là vi phạm của một số cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, cần phải chủ động giám sát, kiểm tra để phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn từ khi còn manh nha. Không để xảy ra khuyết điểm, vi phạm là quan trọng nhất để vừa không mất cán bộ, vừa không hỏng công việc. Còn việc phải kiểm tra, xử lý kỷ luật một số cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm chỉ là việc “cực chẳng đã”. Tuy nhiên, để đề cao sự cảnh tỉnh, răn đe, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, sự trong sạch, vững mạnh của Đảng thì cần phải xử lý kỷ luật “một vài người để cứu muôn người” là việc cần thiết nhằm khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên khởi động, dưới chậm chuyển động”. Điều quan trọng không phải xử lý kỷ luật “thật nhiều, thật nặng” đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm, mà xử lý phải “thấu tình, đạt lý”, khiến đối tượng bị kiểm tra, xử lý phải thật sự “tâm phục, khẩu phục”, phải bảo đảm “công minh, chính xác, kịp thời”, có tính giáo dục, phòng ngừa, răn đe chung và có “tính nhân văn cao” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Điều quan trọng nhất là khi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm phải chủ động tự kiểm điểm, tự phê bình, tự kiểm tra, thấy được rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, điều kiện, hoàn cảnh xảy ra khuyết điểm, vi phạm, tự giác nhận trách nhiệm, hình thức xử lý, nếu chưa đến mức phải xử lý kỷ luật mà thấy không còn xứng đáng với cương vị, chức vụ được giao thì chủ động xin từ chức hoặc để bố trí công việc khác cho phù hợp.
Để nêu cao và thực hiện tốt văn hóa “tự xử” của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên qua kiểm tra có khuyết điểm, vi phạm trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng Đảng, cần thực hiện đồng bộ một số nội dung sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thấy được trách nhiệm của mình cả khi là chủ thể kiểm tra, khi là đối tượng kiểm tra và khi là đối tượng có liên quan (phối hợp, tham gia, chỉ đạo...) trong quá trình kiểm tra để thực hiện đúng trách nhiệm và thẩm quyền hoặc trách nhiệm và quyền của mình.
Hai là, chủ thể kiểm tra phải có biện pháp khơi gợi, động viên, thuyết phục, cảm hóa đối tượng kiểm tra để chủ động cộng tác, phối hợp, chấp hành nghiêm yêu cầu kiểm tra, quá trình thực hiện quy trình, thủ tục thi hành kỷ luật khi có khuyết điểm, vi phạm để bảo đảm nâng cao tính chủ động tự giác kiểm điểm, tự phê bình, tự kiểm tra, tự nhận trách nhiệm và hình thức xử lý thích hợp (tức là nâng cao văn hóa tự xử).
Ba là, tổ chức đảng quản lý tổ chức đảng được kiểm tra, tổ chức đảng có đảng viên được kiểm tra phải nêu cao trách nhiệm trong việc động viên, thuyết phục, tạo điều kiện cho tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên tự kiểm tra, tự phê bình nghiêm túc, tự giác nhận trách nhiệm về khuyết điểm, vi phạm, gắn trách nhiệm của cá nhân với trách nhiệm của tập thể; đồng thời phải nêu cao trách nhiệm trong việc tự phê bình, góp ý kiến cho tổ chức đảng cấp dưới, cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm chân thành, thẳng thắn, đúng đắn, khách quan, làm rõ trách nhiệm của tập thể với trách nhiệm của từng cá nhân đảng viên có khuyết điểm, vi phạm.
Bốn là, từng cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu khi có khuyết điểm, vi phạm, phải có nhận thức đúng, nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành yêu cầu của chủ thể kiểm tra, thi hành kỷ luật để chủ động tự giác kiểm điểm, tự kiểm tra, tự phê bình về nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, từ đó tự nhận trách nhiệm, mức độ, hình thức xử lý thích hợp.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những vụ việc, trong đó cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không tự giác kiểm điểm, tự phê bình, tự kiểm tra, không tự nhận trách nhiệm và hình thức xử lý thích hợp để phê phán, rút kinh nghiệm. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến những vụ việc, trong đó cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm đã chủ động tự giác kiểm điểm, tự phê bình, tự kiểm tra, tự nhận trách nhiệm và hình thức xử lý thích hợp. Bảo đảm văn hóa cao nhất trong công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng là “văn hóa tự xử”.