Ngày 2-4, đúng hạn một tháng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) chính thức công bố kết quả rà soát 94 ứng viên giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) có đơn thư khiếu nại, tố cáo và chưa bảo đảm đầy đủ các minh chứng theo quy định. Kết quả rà soát có 41 ứng viên không được công nhận do hồ sơ không bảo đảm theo quy định hoặc có đơn xin rút khỏi danh sách công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017.
Việc công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 khiến dư luận xã hội băn khoăn ngay từ khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) công bố kết quả với 1.226 ứng viên được thông qua. Bởi số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS tăng đột biến so với các năm trước, cùng nhiều lo ngại về chất lượng (như không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, không có đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học...). Không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một "đợt vét" trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn GS, PGS và có ứng viên phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Văn phòng HĐCDGSNN... Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng GD và ĐT, Chủ tịch HĐCDGSNN nghiêm túc xem xét, rà soát, bảo đảm chất lượng theo quy định. Bộ trưởng GD và ĐT, Chủ tịch HĐCDGSNN đã yêu cầu Hội đồng và thành lập tổ công tác do Thanh tra Bộ GD và ĐT thực hiện rà soát kỹ lưỡng, cho nên số ứng viên tự xin rút và không bảo đảm đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS là không ít.
Với 41 ứng viên không được công nhận đạt chuẩn hoặc xin rút trong việc xét chức danh GS, PGS năm 2017 đặt ra nhiều suy nghĩ. Đó là việc lắng nghe những băn khoăn, bức xúc trong dư luận xã hội để từ đó rà soát ứng viên nhằm bảo đảm công bằng, chính xác, minh bạch khách quan và nghiêm túc trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước. Quá trình rà soát được Thanh tra Bộ GD và ĐT, một đơn vị có chuyên môn về thanh tra, giám sát, khá độc lập với HĐCDGSNN làm việc cụ thể với các đơn vị cá nhân để xem xét các minh chứng, tăng tính khách quan cũng là vấn đề đáng quan tâm. Theo quy định, các ứng viên và cơ sở đào tạo, nghiên cứu phải xác nhận chính xác, trung thực theo các tiêu chí như nghiên cứu, giờ giảng, hướng dẫn luận văn, luận án... Tuy nhiên, có những ứng viên không bảo đảm các tiêu chí vẫn được xác nhận. Vì vậy, cần xử lý nghiêm và công khai những cơ sở giáo dục, những cá nhân đã xác nhận không trung thực, thiếu nghiêm túc vào hồ sơ của các ứng viên. Cần có những thay đổi quy trình, tiêu chí xét hồ sơ vì thực tế tiêu chí xét công nhận chức danh GS, PGS đã lạc hậu, không bảo đảm chất lượng, không phù hợp với thực tiễn hiện nay. Cần có sự cải tổ hoạt động của HĐCDGSNN, Hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành theo hướng công khai mọi hoạt động, tránh cảm tính, có thể có tiêu cực. Bởi có những ứng viên đủ các tiêu chí với số điểm cao nhưng không đạt đủ số phiếu kín của các thành viên hội đồng, cho nên không được công nhận mà không biết nguyên nhân vì sao để có thể khắc phục cho những lần xét tiếp theo. Đáng chú ý, việc xét và công nhận đạt tiêu chuẩn do HĐCDGSNN thực hiện, còn việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS lại do các cơ sở đào tạo, nghiên cứu thực hiện. Vì vậy, cần tăng cường vai trò giám sát và chịu trách nhiệm của đơn vị bổ nhiệm các chức danh này. Có như vậy, mới bảo đảm được trách nhiệm giám sát, sự nghiêm túc, minh bạch, công bằng, chính xác trong việc công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS hiện nay.
Theo Nhân dân