Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 22/3/2009 17:32'(GMT+7)

Thông tin đối ngoại : Quảng bá hình ảnh một Việt Nam năng động

Đó là kết luận của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên truyền về  biển, đảo; phân giới cắm mốc biên giới và thông tin đối ngoại năm 2008, triển khai nhiệm vụ năm 2009 diễn ra tại Hải Phòng từ ngày 20-21/3, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Sự cần thiết xây dựng một chiến lược tổng thể về TTĐN là do nước ta đã ngày càng hội nhập sâu rộng và đầy đủ vào cộng đồng quốc tế. Thời điểm đánh dấu công cuộc hội nhập sâu rộng là từ năm 2007, khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong khi đó, chúng ta chưa có những đề án tuyên truyền TTĐN bài bản, nội dung và hình thức tuyên truyền TTĐN trong thời gian qua cũng còn đơn giản, cứng nhắc, chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước và với các cơ quan báo chí về việc cung cấp thông tin…
Do đó, việc xây dựng chiến lược tổng thể về công tác TTĐN có ý nghĩa rất quan trọng, giúp quảng bá hình ảnh  một Việt Nam năng động, giàu tiềm năng và mến khách trong cộng đồng quốc tế, đồng thời phản ánh sự vận động và chuyển mình về chất của vị thế và vai trò của nước ta do sự nghiệp Đổi mới mang lại.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, chiến lược TTĐN phải tiếp tục giúp làm rõ đường lối chính sách phát triển, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, những thành tựu phát triển về mọi mặt, nền văn hóa đa dạng, tiềm năng du lịch và đầu tư, đặc biệt là quyết tâm lớn của Đảng và Chính phủ trong việc tạo ra lợi thế và biến tiềm năng của Việt Nam thành cơ hội.
Thông tin đối với những vấn đề nhạy cảm phải đặc biệt nhanh chóng, kịp thời, phải cụ thể đối với từng vấn đề, từng hiện tượng để định hướng dư luận và nhân dân trong nước, giúp công luận quốc tế hiểu cặn kẽ về từng vấn đề.
Những vấn đề như cải cách hành chính, chống tham nhũng, sử dụng ODA, phân giới cắm mốc và biển đảo cần được quan tâm thích đáng về nội dung tuyên truyền, chú trọng đến ngôn ngữ tuyên truyền, phương tiện tuyên truyền, chất lượng thông tin.
Đối tượng của công tác TTĐN được xác định rất cụ thể, đó là các nhà lãnh đạo, các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài việc xây dựng chiến lược thông tin tổng thế, việc “luật hóa” sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương và với các cơ quan báo chí phải được đổi mới theo hướng phân công, phân nhiệm rõ ràng, tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin.
Một điểm mới nữa trong công tác TTĐN trong thời gian tới là xử lý tốt mối quan hệ giữa thông tin đi và thông tin đến,  nghĩa là chúng ta phải vừa thông tin ra nước ngoài nhưng cũng vừa thông tin từ nước ngoài về trong nước.
Việt Nam đang có quan hệ song phương ở nhiều cấp độ và quan hệ hợp tác đối tác với nhiều nước và vùng lãnh thổ khác. Vì vậy, việc TTĐN hai chiều sẽ làm cho người dân mỗi nước thấy được tầm quan trọng của từng đối tác.
Quan điểm nhất quán của Việt Nam trong việc xử lý công tác TTĐN là phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, và phải bảo đảm duy trì môi trường hòa bình để phát triển; hướng tới những đối tác lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga.
Hội nghị toàn quốc năm nay là dịp để các cấp, các ngành và địa phương nhìn lại công tác TTĐN, phân tích rõ mặt được, mặt yếu của công tác này trong thời gian qua đồng thời bàn bạc để cùng Trung ương xây dựng chiến lược TTĐN tổng thể sát với tình hình thực tiễn và vị thế của đất nước, góp phần đưa Việt Nam ngày càng hội nhập hiệu quả và sâu rộng, xây dựng được nhiều hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác, hạn chế đối tượng, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng thế giới đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta./.

(chinhphu.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất