(TG)-Sáng ngày 20-9, tại cuộc giao ban báo chí
thường kỳ do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và
Truyền thông tổ chức tại Hà Nội, đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi
trường, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông tin một số
nội dung về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản tại vùng
biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi giao ban.
Hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đã giảm theo thời gian
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đã phối hợp với các đơn vị triển khai chương trình quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích và các hệ sinh thái trong thời gian từ tháng 4 đến hết tháng 5/2016 trên phạm vi 8 tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam với mục đích thông tin cho cộng đồng, góp phần xác định nguyên nhân của sự cố môi trường biển.
Trong tháng 6/2016, Bộ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai chương trình đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái do sự cố môi trường. Đến tháng 8/2016, các đơn vị chức năng tiếp tục thục hiện quan trắc bổ sung vị trí để kiểm tra lại mức độ ô nhiễm phenol trong môi trường biển tại một số khu vực.
Trên cơ sở kết quả phân tích trong 3 đợt trên, đối chiếu với Quy chuẩn số 10 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chất lượng nước biển cho thấy, hầu hết các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép, hàm lượng sắt và xyanua đã giảm đáng kể và nằm trong ngưỡng cho phép. Riêng về thông số tổng phenol, đến tháng 8/2016, hàm lượng tổng phenol trong nước biển đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.
Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực.
Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận, với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đã giảm theo thời gian. Chất lượng môi trường nước biển tại tất cả các khu vực được quan trắc đều nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn đang và sẽ tiếp tục triển khai chương trình quan trắc môi trường biển tại các tỉnh miền Trung để tiếp tục theo dõi hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo kịp thời khi chất lượng môi trường biển có dấu hiệu ô nhiễm.
Hải sản tại đầm nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm
Theo Bộ Y tế cho biết, qua công tác lấy mẫu, kiểm tra hơn 1.000 mẫu hải sản thuộc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế được lấy hàng ngày ở tất cả các cảng cá, gò cá, các thuyền đánh bắt cá, đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung, Bộ Y tế kết luận: Tất cả hải sản sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.
Các hải sản như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, Bộ Y tế đề nghị: Người dân không sử dụng các loại hải sản: ghẹ, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các loại hải sản chưa đảm bảo an toàn và chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo việc khai thác, sử dụng hải sản an toàn theo đúng hướng dẫn của các Bộ.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát định kỳ đối với các hải sản được khai thác tại 4 tỉnh miền Trung nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời, Bộ tiếp tục lấy mẫu các loại hải sản có phát hiện phenol ở trên và các hải sản khác ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý để tiến hành giám sát, xét nghiệm.
Hướng dẫn nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản và giám sát an toàn thực phẩm, sản xuất muối tại 4 tỉnh miền Trung
Theo Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra tại 4 tỉnh miền Trung, Bộ đã ban hành công văn về hướng dẫn nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản và giám sát an toàn thực phẩm, sản xuất muối tại 4 tỉnh miền Trung.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hoạt động thủy sản mặn, lợ bình thường đối với tất cả các phương thức nuôi: nuôi lồng bè, bãi triều và trong ao, đầm.
Thực hiện công tác quan trắc môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, trong đó lưu ý quan trắc bổ sung các thông số: xyanua, phenol, đồng thời, kịp thông báo và khuyến cáo cho người nuôi.
Thực hiện các biện pháp kỹ thuật đối với nuôi lồng, đăng, quầng và bãi triều, nuôi trong ao, đầm.
Đối với lĩnh vực khai thác, Bộ cũng đưa ra khuyến cáo, để phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh là nơi cư trú của các loài thủy sản, các ngư dân chưa khai thác tại ba khu vực biển (Hòn Sơn Dương-Hà Tĩnh), Cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), Hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế). Đồng thời, không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy như nghề: lưới kéo, rê đáy, lặn, câu đáy, lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ tự nhiên trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Về giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức thực hiện giám sát tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ và lưu ý các loại hải sản tầng đáy thường gặp ở vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Thời điểm lấy mẫu giám sát là khi sản phẩm khai thác được bốc dỡ từ tàu khai thác đưa lên bờ tiêu thụ. Tần suất lấy mẫu giám sát 2-3 ngày/lần, tùy theo điều kiện thực tế ở địa phương. Số lượng mẫu đại diện cho các tàu đang đưa cá lên bờ tại thời điểm lấy mẫu; lựa chọn cá thể mẫu bảo đảm đại diện tầng sinh thái (tầng đáy, tầng nổi) và các loài hải sản khác nhau (cá, giáp xác, nhuyễn thể).
Đối với sản xuất muối, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn diêm dân tham gia sản xuất muối bình thường và lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm theo định kỳ.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo Đề án “Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường”.
Bảo Châu