Chủ Nhật, 24/11/2024
Xã hội
Thứ Hai, 3/7/2017 15:18'(GMT+7)

Thông xe cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất, nút giao Nguyễn Thái Sơn

Thông xe cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn-Tân Sơn Nhất- Bình Lợi-Vành đai ngoài. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Thông xe cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn-Tân Sơn Nhất- Bình Lợi-Vành đai ngoài. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự án cầu vượt vào ga quốc tế, quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất đã vượt tiến độ 2 tháng, trong khi cầu vượt tại nút giao Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm-Phạm Văn Đồng đã đáp ứng yêu cầu, phấn đấu rút ngắn hơn so với kế hoạch.

Tuy nhiên, hiện đang vướng công tác giải phóng mặt bằng (Bệnh viện 175 - Bộ Quốc phòng chưa bàn giao mặt bằng nên chưa thể khởi công nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm-Hoàng Minh Giám). 

Đây là hai công trình được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố thực hiện theo cơ chế đặc thù, được thi công trong đô thị, tại nút giao thông với lưu lượng phương tiện đi lại rất lớn nên trong quá trình thi công đã ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. 

Đối với việc giải quyết ùn tắc giao thông tại cửa ngõ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Văn Tám cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai một số dự án như dự án mở rộng đường Đào Duy Anh và Hoàng Minh Giám, đã được phê duyệt, dự kiến khởi công trong năm nay.

Cụ thể là dự án cải tạo nút giao đường Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa đã được phê duyệt, Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình đang thực hiện thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng; dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (đã được phê duyệt, đang triển khai thiết kế, dự kiến khởi công trong năm nay.

Dự án đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Trường Chinh, đã được ​Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua chủ trương đầu tư, hiện Ủy ban Nhân dân thành phố đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng xem xét về hướng tuyến. 

Tuy nhiên sau khi tổ chức thông xe 2 dự án trên đã thể hiện nhiều bất cập cần phải nhanh chóng nghiên cứu giải pháp để tăng hiệu quả của dự án.

Tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, việc xây dựng cầu vượt thép chỉ mới giúp ô tô đi từ đường Trường Sơn vào ga quốc tế, quốc nội chứ chưa giải quyết được hướng xe ôtô từ sân bay đi ra chiều ngược lại.

Vào thời gian cao điểm, khi lượng xe ôtô xếp đầy khu vực được phép đậu xe trong ga quốc tế, quốc nội (đưa, đón khách), nguy cơ ùn ứ trong khu vực nhà ga vẫn chưa được loại bỏ. 

Còn tại dự án cầu vượt thép nút giao Phạm Văn Đồng-Nguyễn Kiệm-Nguyễn Thái Sơn-Hoàng Minh Giám do chỉ mới thông xe nhánh Nguyễn Thái Sơn-Hoàng Minh Giám nên việc giải quyết ùn tắc tại đây chưa được như ý muốn.

Cụ thể, lưu lượng phương tiện vào giờ cao điểm nhánh đường Nguyễn Thái Sơn vào Hoàng Minh Giám (để ra đường Hồ Văn Huê, Phổ Quang, về trung tâm thành phố) không căng thẳng. 

Ngược lại, áp lực lưu thông từ đường Nguyễn Kiệm (hướng lưu thông từ huyện Hóc Môn, quận 12, quận Gò Vấp) ra đường Hoàng Minh Giám và từ đường Phạm Văn Đồng ra khu vực sân bay, đường Trường Sơn lại vô cùng lớn.

Hệ quả là mặc dù thông xe nhánh Nguyễn Thái Sơn-Hoàng Minh Giám nhưng xung đột vẫn xảy ra ngay tại nút giao giữa đường Phạm Văn Đồng-Nguyễn Kiệm. Tại đây, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn rất vất vả phân luồng, điều tiết giao thông. 

Dự án cầu vượt thép nút giao Trường Sơn-đường nối Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài có 2 nhánh cầu, trong đó nhánh 1 từ đường Trường Sơn đi ga quốc tế dài 303,8m, rộng 7,5m; nhánh 2 từ giao với nhánh 1 rẽ vào ga quốc nội dài 153,8m, rộng 7,5m. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 242 tỷ đồng. 

Trong khi đó, dự án cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn- Nguyễn Kiệm (tổng mức đầu tư 504 tỷ đồng) sẽ xây dựng cầu vượt dạng chữ “N” gồm 3 nhánh.

Cụ thể, nhánh 1 theo hướng từ đường Nguyễn Kiệm về đường Hoàng Minh Giám (dài 367,7m), nhánh 2 từ đường Hoàng Minh Giám về đường Nguyễn Thái Sơn (dài 362,82m) và nhánh 3 theo hướng đường Nguyễn Kiệm về đường Nguyễn Thái Sơn./.

Trần Xuân Tình/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất