Chủ Nhật, 24/11/2024
Cuộc sống số
Chủ Nhật, 5/1/2014 21:18'(GMT+7)

Thu âm hơn 1.300 tựa sách in trở thành sách nói

Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Rảnh (bìa trái) tặng bằng khen cho các cá nhân đã tham gia xây dựng và duy trì, phát triển Thư viện sách nói phục vụ người mù 15 năm qua.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Rảnh (bìa trái) tặng bằng khen cho các cá nhân đã tham gia xây dựng và duy trì, phát triển Thư viện sách nói phục vụ người mù 15 năm qua.

Đó là một trong những thành tựu to lớn của Thư viện Sách nói dành cho người mù được thống kê lại tại Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Thư viện được tổ chức ngày 5/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thư viện Sách nói dành cho người mù được thành lập từ năm 1998, đến nay vẫn là Thư viện Sách nói đầu tiên và duy nhất phục vụ cho gần 1 triệu người mù cả nước. 

Hiện nay, Thư viện Sách nói phục vụ miễn phí sách nói cho 89 đơn vị Hội người mù và trường học có học sinh mù cả nước. 

Ngoài hệ thống các cuốn băng cassette, đĩa CD và Mp3 được đọc thu âm từ các cuốn sách in, người mù có thể bỏ vào máy để nghe dễ dàng, sách nói nay đã được đăng tải trên website Sachnoionline.com đủ các thể loại, phục vụ người mù lòa trong nước và nước ngoài, kể cả người sáng mắt.

Đến nay, Thư viện Sách nói đã đưa lên mạng gần 1.000 tựa sách nói, với tổng số truy cập hơn 17 triệu lượt.

Theo bà Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc Thư viện Sách nói, trong thời gian qua sách nói đã cung cấp cho người mù nói chung một kho tàng về kiến thức lịch sử, văn hóa, khoa học, y học thường thức; một kho tàng những tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới. 
Đối với các em học sinh, nhờ Thư viện Sách nói đã có một bộ sách giáo khoa đầy đủ, nhẹ nhàng, thuận tiện, bổ sung cho bộ sách bằng chữ nổi Braille. 

Những em ước mơ được học lên đại học thì đây là một sự kiện hết sức đặc biệt. Trước đây rất ít em thực hiện được ước mơ này, nhưng từ khi có Thư viện Sách nói đọc thu âm giáo trình cao đẳng, đại học, đã có 152 em thi đỗ đại học và theo học tại các trường cao đẳng, đại học.

Hiện đã có 92 em tốt nghiệp đại học, 1 em có trình độ cao học và 2 em có bằng thạc sỹ.

Ngoài chương trình làm sách nói, Thư viện Sách nói còn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa dành cho người mù như: học bổng Ánh Sen và học bổng Hướng Dương dành cho người mù; chương trình “Thắp sáng niềm tin” đi du lịch biển; Giải cờ vua cho sinh viên, học sinh mù; Chương trình “Sưởi ấm niềm tin” khám sức khỏe cho sinh viên, học sinh mù.

Ông Trần Văn Em, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Người mù, Trưởng Ban Đại diện Hội Người mù Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thư viện Sách nói ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt rất to lớn, một ấn tượng rất tốt đẹp đối với người mù cả nước.

Nhờ sách nói mà các em mù học không thua kém các em sáng mắt khi học hòa nhập tại các trường dành cho học sinh sáng mắt. Đồng thời đã góp phần hỗ trợ cho người mù trong công việc, nâng cao được đời sống tinh thần, xóa đi mặc cảm tự ti đối với người sáng mắt, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Thư viện Sách nói là một trong những cơ sở hoạt động của Hội Phụ nữ Từ thiện Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 7/2013, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Thư viện số nhà 18 Đinh Tiên Hoàng, quận 1 để làm trụ sở, nhưng hiện nay ngôi nhà đã xuống cấp.

Quỹ Từ thiện Sách nói đang hoàn thành thủ tục và tiến hành vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức xây dựng trụ sở có đủ điều kiện hoạt động phục vụ người mù, đem lại ánh sách tri thức và văn hóa cho người mù cả nước./.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất