Từ nhiều năm nay, trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, trong các kỳ họp Quốc hội, các diễn đàn xã hội khác, chúng ta đã đề cập, bàn luận khá nhiều về sự suy thoái đạo đức từ trong gia đình, nhà trường, xã hội, trong một bộ phận nhân dân, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những người có chức, có quyền.
Một câu hỏi lớn đã và đang được đặt ra: nguyên nhân của sự xuống cấp về đạo đức là ở đâu? Có người chỉ ra nguyên nhân ở trong nền kinh tế, có người lại khẳng định nguyên nhân ở trong nền văn hóa, ở trong nền giáo dục. Nói kinh tế tác động đến đạo đức xã hội không sai, vì điều kiện sinh hoạt vật chất quyết định các hoạt động ý thức xã hội, trong đó có đạo đức. Nhưng mối liên hệ giữa kinh tế với đạo đức thường không đơn giản. Thực tế chứng minh rằng, khi điều kiện sinh hoạt vật chất quá thiếu thốn, khi những nhu cầu cơ bản về vật chất để bảo đảm sự tồn tại của con người không được đáp ứng, thì khả năng tha hóa của con người rất dễ xảy ra. Trong hoàn cảnh đó, con người rất dễ đánh mất giá trị bản thân của mình. Ngược lại, cũng có trường hợp con người càng giàu có lên bao nhiêu, thì tình người càng suy giảm bấy nhiêu.
Chắc nhiều người còn nhớ tác phẩm Eugenie Grandet của Balzac - nhà văn lớn nước Pháp thế kỷ 19. Khi Grandet chưa giàu có, còn là một tiểu thương, ông rất yêu quý vợ con mình. Nhưng nhờ các thủ đoạn buôn bán, ông ta trở thành tên tư sản kếch sù, thì tình yêu quý đối với vợ con dần dần rời khỏi ông ta, để thay vào đó là tình yêu đối với khối vàng bạc, châu báu mà ông ta tích lũy được. Nói như vậy để thấy rằng mức sống là quan trọng đối với sự phát triển xã hội nói chung, nhưng bản thân mức sống không phải là yếu tố tác động trực tiếp đến đạo đức xã hội.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, điều kiện sinh hoạt vật chất của cán bộ và nhân dân ta còn rất khó khăn và thiếu thốn, nhưng các quan hệ xã hội đều thấm đẫm tình người. Hình ảnh "bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng" mà nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ "Việt Bắc", quả đã phản ánh đúng lối sống của người Việt Nam ta một thời gian khó. Việc nhân dân tự động phá nhà mình để làm đường cho xe chở pháo ra mặt trận, cũng là chuyện phổ biến trong những năm tháng chiến tranh.
Ngày nay, tình hình đã khác trước. Sau mấy chục năm tiến hành đổi mới, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, từ một nước chậm phát triển, nước ta đã trở thành nước đang phát triển và có nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng. Sự tăng trưởng kinh tế như vậy, lẽ ra phải tạo điều kiện để duy trì và phát triển những giá trị tinh thần tốt đẹp mà dân tộc và cách mạng đã sáng tạo ra. Nhưng, cuộc sống lại không diễn ra như mong muốn của chúng ta. Bên cạnh một số đông nhân dân, cán bộ, đảng viên, vẫn cố gắng bảo vệ, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, thì đã xuất hiện một bộ phận không ít người quay lưng lại với các giá trị đó, thậm chí trở thành những nạn nhân thảm hại của chủ nghĩa cá nhân. Vậy nguyên nhân từ đâu?
Việc từ bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung để chuyển sang kinh tế thị trường là một tất yếu của lịch sử. Kinh tế thị trường bên cạnh ưu điểm thúc đẩy sức sản xuất nhưng cũng có nhiều mặt trái. Mặt trái đó là miếng đất dung dưỡng cho nhiều thói hư tật xấu, đặc biệt là chủ nghĩa cá nhân, sự sùng bái vật chất và lãng quên các giá trị tinh thần. Công tác giáo dục rèn luyện cán bộ đảng viên đã bị coi nhẹ. Các hoạt động phê bình và tự phê bình trong tổ chức Đảng, trong các cán bộ, đảng viên chưa thực sự trở thành động lực để mỗi người tự hoàn thiện bản thân mình. Sự “chệch choạc” đó đã tạo ra kẽ hở để mặt trái kinh tế thị trường thâm nhập vào lối sống, vào cách tư duy, cách xử trí và cách điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội của một bộ phận cán bộ đảng viên. Hậu quả là đã xuất hiện một số cán bộ, đảng viên, thậm chí cả những người có chức có quyền, sống xa dân, vô cảm với đời sống của nhân dân. Chính họ là những người hoặc đề xuất một số chủ trương chính sách sai lầm, hoặc làm méo mó các chủ trương chính sách vốn đúng đắn của Đảng và Nhà nước, dẫn tới hậu quả làm thất thoát tài sản của Nhà nước, gây bao phiền hà không đáng có cho người dân. Lòng tin của người dân đối với công lý, đối với Đảng bị giảm sút. Có lẽ đây là vấn đề lớn, vấn đề đầu tiên, vấn đề có tính then chốt cần tập trung giải quyết nhằm khắc phục tất cả những yếu kém, những khó khăn thách thức đang diễn ra, trong đó có vấn đề đạo đức xã hội.
Các hoạt động về kinh tế, về văn hóa, về giáo dục đều rất quan trọng, vì liên quan trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của con người, của xã hội. Đảng ta nhiều lần khẳng định: phát triển kinh tế là trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Chúng ta đã có nhiều dịp tổng kết và chắc chắn không ai có thể phủ nhận những thành tựu mà chúng ta đã đạt được. Nhưng có lẽ không ai không băn khoăn lo lắng khi sự xuống cấp về đạo đức, về tinh thần vẫn cứ diễn ra, và có vẻ càng ngày càng trầm trọng. Nếu trước đây, Đảng khẳng định một bộ phận nhỏ cán bộ đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, thì bây giờ, bộ phận nhỏ đã trở thành bộ phận không nhỏ. Nguy hiểm hơn, đã xuất hiện hiện tượng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một số cán bộ có chức có quyền. Trong xã hội cũng vậy. Tội phạm xã hội ngày càng gia tăng về số lượng và về tính chất nguy hiểm.
Tình hình đó đặt ra một số vấn đề lớn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn khi chúng ta tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước và trước mắt, chuẩn bị cho các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Lâu nay chúng ta vẫn quen với cách suy nghĩ lấy tổng sản phẩm quốc dân và thu nhập theo đầu người là thước đo sự phát triển kinh tế của đất nước. Theo cách đó thì sự phát triển kinh tế những năm gần đây cao hơn so với mươi năm trước. Nhưng về an sinh xã hội, về đạo đức tinh thần thì sao? Có cải thiện hơn những năm trước không?
Gần đây, nhiều học giả đã đưa ra dự báo rằng: nếu sự phát triển kinh tế không được chia sẻ cho toàn xã hội thì xem như thất bại. Có nghĩa rằng sự phát triển kinh tế phải được xây dựng trên nguyên tắc công bằng xã hội: công bằng trong việc tạo công ăn việc làm, công bằng trong thu nhập. Điều đó có nghĩa rằng nếu kinh tế phát triển, nhưng một bộ phận người dân không được tạo điều kiện thuận lợi để lao động tạo ra sản phẩm, thì chính trong bộ phận đó dễ nẩy sinh các hiện tượng tiêu cực. Cha ông ta thường nói: nhàn cư vi bất thiện, là theo nghĩa như vậy.
Về trợ cấp xã hội cũng vậy. Đối với những vùng khó khăn như miền núi, việc trợ cấp của Nhà nước là rất quan trọng. Nhưng đã gọi là trợ cấp, thì khó mà có mức sống khá được. Có lẽ nào cứ để bà con ở đó chịu đựng sự thiếu thốn mãi sao. Người ta thường nói: hãy đưa cho bà con cái cần câu, chứ đừng đưa cho họ con cá. Nếu chỉ đưa cá cho họ, thì sẽ có tình trạng có ngày có cá ăn, có ngày không có. Nhưng đưa cho họ cần câu, thì với khả năng lao động và sáng tạo của bà con, ngày nào họ cũng có cá ăn. Nói chia sẻ sự phát triển kinh tế cho toàn xã hội cũng là ở đó. Vì vậy, khi nói công tác xóa đói giảm nghèo, thực chất phải là tạo điều kiện thật thuận lợi về vốn, về kinh nghiệm sản xuất, về công nghệ, về hướng đầu tư kinh tế để bà con tự đứng lên bằng đôi chân của họ. Với cách làm đó, bà con nhân dân ở những vùng khó khăn sẽ cảm thấy tự tin hơn ở bản thân, và càng tin hơn ở Đảng và Nhà nước. Vì vậy phát triển có nghĩa là làm biến đổi con người chứ không phải chỉ làm biến đổi kinh tế. Phải chăng từ nhận thức đó chúng ta sẽ tiếp cận với nhận thức mới của thời đại: từ GDP phải chuyển dần sang HID (Humain Index Development), tức từ chỗ chỉ quan tâm bình quân thu nhập, tiến đến quan tâm chỉ số phát triển con người. Nói đến chỉ số phát triển con người là nói đến tổng hòa các nhân tố liên quan đến con người, trong đó có đạo đức.
Về văn hóa, giáo dục cũng vậy. Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức, nhiều di tích văn hóa được tôn vinh, các lễ hội rầm rộ tổ chức khắp nơi. Đã xuất hiện hàng trăm trường đại học ở khắp các tỉnh thành. Tỷ lệ số sinh viên trên tổng số dân số khá cao. Nhưng kết quả của những hoạt động đó như thế nào thì chắc chưa có thống kê thật chính xác. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần một sự đổi mới thực sự về nhận thức, đặc biệt nhận thức về sự phát triển, để trên cơ sở đó có những chủ trương, biện pháp thích hợp bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước khi chúng ta gia nhập ngày càng sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa.
Có lẽ, các hoạt động văn hóa, giáo dục không nên chỉ dừng lại ở số lượng các việc làm, các phong trào. Điều quan trọng là ở chất lượng và hiệu quả xã hội của các việc làm, các phong trào đó. Việc trùng tu, tu bổ các di sản văn hóa, các di tích lịch sử là rất cần, vì đó là các tượng đài văn hóa của dân tộc. Nhưng việc tu bổ, tôn tạo các giá trị tinh thần trong mỗi con người Việt Nam hiện nay, làm sao để các giá trị truyền thống mà cha ông đã dày công tạo nên vẫn được thắp sáng, vẫn được kế thừa và phát huy, càng là bức thiết hơn.
Hơn 20 năm về trước, năm 1994, bà Utahabke- một nhà giáo, nhà văn hóa người Đức, trong chuyến thăm Việt Nam đã có dịp phát biểu với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam lúc đó - nhạc sĩ Trần Hoàn, một câu nói thật tâm đắc: "Tôi rất quý trọng và yêu mến văn hóa truyền thống Việt Nam. Chúng tôi đến đây để được thưởng thức bát canh rau muống, nước dừa tươi, nghe đàn bầu, đàn t'rưng làm bằng ống tre và các loại đàn dân gian đóng bằng gỗ mít hoặc bằng da rắn hay bằng đất nung, tuy thô sơ đơn giản nhưng lại đặc biệt dân tộc. Những đồ vật xem ra tầm thường đó đã lại nói lên được óc sáng tạo phong phú của con người Việt Nam cần cù và thông minh sáng tạo. Đó là cái mà chúng tôi đi tìm và là cái mà các bạn Việt Nam phải tự hào, phải bảo tồn và phát huy. Nếu các bạn không kịp thời có biện pháp ngăn chặn, văn minh vật chất phương Tây sẽ ồ ạt xâm chiếm sau khi lệnh cấm vận được xóa bỏ... Các bạn nên nhớ: nếu đánh mất văn hóa thì dân tộc cũng mất luôn. Đất nước, non sông các bạn đẹp quá, nhưng đó chỉ là phần xác. Bản sắc dân tộc, văn hóa giống nòi chính là phần hồn, các bạn hãy giữ lấy hồn thiêng sông núi, chứ đừng chỉ giữ núi sông không"(1).
|
Cho đến nay, những người Việt Nam, từ những người lãnh đạo, quản lý đến những người dân thường, hễ ai còn nặng lòng với hồn thiêng sông núi, không thể không băn khoăn suy nghĩ về những gì đang diễn ra trong đời sống tinh thần dân tộc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Phải chăng những lệch lạc trong lối sống, sự phá cách về chuẩn mực đạo đức đang xuất hiện đó đây, đều có gốc rễ từ sự phai nhạt các giá trị truyền thống của dân tộc dưới tác động của nền văn minh vật chất từ bên ngoài tràn vào.
Về lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng vậy. Để có sự đánh giá chính xác cần có cách nhìn mới, tức nhìn qua lăng kính đúp: giáo dục - đào tạo đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội như thế nào và chúng tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách con người ra sao. Vấn đề này, Bác Hồ đã đề cập từ lâu, khi Người khẳng định: Học để làm việc, làm người... Đáng tiếc rằng, tư tưởng đó của Người được nói ra từ gần 70 năm trước, nhưng những người trực tiếp hoạt động trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo hiện nay vẫn chưa quán triệt đầy đủ trong hoạt động thực tiễn. Hậu quả, sản phẩm của nền giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Sinh viên tốt nghiệp ngày càng đông, nhưng tỷ lệ những người có việc làm sau khi tốt nghiệp còn thấp. Vấn đề tư tưởng, đạo đức và lối sống trong sinh viên đang diễn biến khá phức tạp. Tình hình đó dễ tạo ra sự bất ổn và có thể mất phương hướng trong một bộ phận thanh niên. Đó có thể là miếng đất để ươm mầm những lệch chuẩn về đạo đức, về nhân cách.
Như vậy, nếu bản chất con người là sự tổng hòa của các quan hệ xã hội, thì đạo đức, hay sự xuống cấp về đạo đức đều có gốc rễ trong tất cả các hoạt động của con người: trong kinh tế, trong chính trị, trong văn hóa, giáo dục v.v..
Hơn 10 năm trước, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX có đưa ra một kết luận vô cùng quan trọng: phải gắn kết nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng với xây dựng nền tảng tinh thần là văn hóa. Đó là 3 chân kiềng vững chắc cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Tư tưởng đó thể hiện mối quan hệ biện chứng, hữu cơ giữa sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần, tôn vinh con người, coi con người là động lực và mục tiêu của các hoạt động kinh tế và xã hội. Quán triệt thật tốt tư tưởng chỉ đạo đó sẽ là giải pháp có tính chiến lược cho sự phát triển bền vững đất nước - có nghĩa là bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và con người. Trong giải pháp có tính chiến lược đó, việc tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thực sự là đạo đức, văn minh, như Bác Hồ đã dạy, phải là khâu đột phá cực kỳ quan trọng. Khi Đảng thực sự là đạo đức, văn minh, thì mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước mới thành "đạo nghĩa" của dân tộc, các cán bộ, đảng viên mới thực sự trở thành tấm gương sáng cho mọi người. Khi đó, và chỉ khi đó đạo đức mới trở thành lẽ sống, lối sống cho mọi người./.
(1) Bài đăng trong "Thế giới mới", số 90, năm 1994.
GS. TS. TRẦN VĂN BÍNH