Thứ Bảy, 23/11/2024
Lý Luận
Thứ Ba, 13/11/2018 8:0'(GMT+7)

Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội
(19-12-1963). (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội (19-12-1963). (Ảnh tư liệu)

VAI TRÒ CỦA ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh đạo đức là cái gốc của con người qua tất cả mọi thời đại, Người còn đưa ra khái niệm mới, đề cập một nội dung mới, phản ánh đạo đức ở tầm cao hơn, rộng hơn, sâu sắc hơn, đó là đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Theo Người, đạo đức cách mạng gồm 8 luận điểm như sau:

Thứ nhất, quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.

Thứ hai, là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân.

Thứ ba, là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng.

Thứ tư, là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng.

Thứ năm, là phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch.

Thứ sáu, là kiên quyết làm đúng chính sách có nghị quyết của Đảng.

Thứ bảy, đặt lợi ích của Đảng lên trên hết.

Thứ tám, là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.

Cho dù sự diễn đạt khác nhau, nhưng quan niệm về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên nêu trên được luận giải xuyên suốt, nhất quán trong các tác phẩm của Người là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Hiện nay, khái niệm đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên được vận dụng trong các văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước theo đúng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điển hình như quy định của Điều 15, Luật cán bộ, công chức: “Cán bộ, công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ”(2).

Từ nội hàm của đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phân tích tính khách quan của đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên, xuất phát từ chính yêu cầu của Đảng cầm quyền, nhằm góp phần giữ vững lập trường quan điểm, bản lĩnh chính trị của người cách mạng. Bởi có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. “Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng”. Bởi theo Người, có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”.

Thấm nhuần vai trò của đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã bổ sung thêm một thành tố quan trọng thứ tư trong công tác xây dựng Đảng: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”(3). Việc bổ sung xây dựng Đảng về đạo đức trong mục tiêu của công tác xây dựng Đảng là vấn đề mới rất quan trọng và cần thiết trong tình hình hiện nay. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng, Bác Hồ về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị là “coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc”; đồng thời, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ đã nói.

Về tác hại của suy thoái đạo đức cách mạng, trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ tác hại của tình trạng suy thoái đạo đức cách mạng do chủ nghĩa cá nhân. Người ví chủ nghĩa cá nhân nguy hiểm như kẻ địch - “địch nội xâm”, “địch trong lòng” luôn chi phối hành vi của con người, dẫn dắt con người đến cái xấu, cái ác, nếu không kiên quyết, kiên trì giáo dục, rèn luyện. Thấm nhuần những tư tưởng của Người về tác hại của sự suy thoái đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên, Đảng ta đã cảnh báo “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa “chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

GIÁO DỤC, RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ bài viết này mà tất cả các bài viết về đạo đức cách mạng, Người luôn đánh giá rất khách quan thực trạng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên cả hai phương diện ưu điểm và khuyết điểm. Người không quên nhắc đến những tấm gương đạo đức sáng ngời của đa số cán bộ, đảng viên mà chính họ đã góp phần quyết định vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược như các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập.

Bên cạnh đa số cán bộ, đảng viên giữ được đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ một số cán bộ, đảng viên mà “họ để chủ nghĩa cá nhân chớm nở, họ yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi, họ muốn lựa chọn công tác theo ý thích của cá nhân mình, không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó cho họ. Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”.

Trong thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được coi là nhiệm vụ then chốt và trở thành yêu cầu cấp bách. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” xác định 3 vấn đề cấp bách nhất thì “Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” được xác định là cấp bách nhất. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tiếp tục chỉ rõ 9 biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện của suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong 9 tháng năm 2018, Ủy ban Kiểm tra các cấp trên cả nước đã kiểm tra 1.658 tổ chức đảng và 5.498 đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận đối với 5 tổ chức đảng và 5 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra các cấp kết luận 1.506 tổ chức đảng và 4.735 đảng viên. Đáng chú ý, các cuộc kiểm tra đã tập trung kiểm tra công tác lãnh đạo ở một số lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, có những vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Trong đó có một số hoạt động như: cho vay, bảo lãnh ngân hàng; quản lý nợ; đầu tư tài chính, góp vốn vào các doanh nghiệp, ngân hàng, đầu tư trái phiếu, việc quản lý, sử dụng đất an ninh, quốc phòng trong lực lượng vũ trang, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị...

Theo số liệu của Ban Nội chính Trung ương, trong 5 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng 77.662 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái (chiếm tỷ lệ 5,5,%). Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái (chiếm tỷ lệ 3,7%).

Vận dụng những luận điểm có ý nghĩa sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ, cán bộ, đảng viên hiện nay, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, các cán bộ, đảng viên trong việc quán triệt sâu sắc những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề đạo đức cách mạng. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Thứ hai, thực hiện tự phê bình và phê bình trong mỗi tổ chức đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”. Người yêu cầu: “Các đồng chí ấy hiểu rằng: đảng viên phạm sai lầm thì sẽ đưa quần chúng đến sai lầm, cho nên khi có sai lầm thì các đồng chí ấy sẵn sàng và kịp thời sửa chữa, không để nhiều sai lầm nhỏ cộng thành sai lầm to. Do đó, các đồng chí ấy biết thật thà tự phê bình và thành khẩn Trong 5 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật 77.662 đảng viên vi phạm 35.000 đảng viên vi phạm >4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái 1.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái 500 tổ chức đảng phê bình đồng chí khác để cùng nhau tiến bộ”.

Thứ ba, đề cao trách nhiệm làm gương, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp. Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã ban hành “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Đó là minh chứng sinh động, chứng minh chỉ có sự tự giác rèn luyện của từng cán bộ, đảng viên thì mới tạo được chuyển biến căn bản trong phòng chống suy thoái về đạo đức, lối sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “Lời nói và việc làm của đảng viên rất quan hệ đến sự nghiệp cách mạng, vì nó ảnh hưởng lớn đến quần chúng”. Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khǎn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngǎn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân./.

-----------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2011, t.11, tr.603-612 (Tất cả các câu trích trong bài thuộc tác phẩm, không chú dẫn lại).

(2) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật số 22/2008/QH12 ngày 13-11-2008 Luật cán bộ, công chức.

(3) Văn phòng Trung ương Đảng: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, H, 2016, tr. 202.

PGS. TS. NGUYỄN MINH TUẤN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất