Thứ Hai, 2/12/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 9/8/2016 21:2'(GMT+7)

Thu hồi nợ xấu khó khăn vì bất cập giữa các cơ quan chức năng

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Muôn kiểu khó thu hồi nợ

Phát biểu tại hội nghị, Trung tá Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng PA 84 cho biết, trong thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức nắm tình hình nợ xấu trong các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Từ năm 2014 đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện và đấu tranh 150 đầu mối vụ việc với tổng số tiền thiệt hại là 1.800 tỷ đồng và 51 triệu USD, trong đó đã khởi tố 63 vụ với 70 bị can, thu hồi 379,87 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, theo ông Long, trong quá trình triển khai công tác phối hợp trong xử lý nợ xấu giữa Công an thành phố và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn một số tồn tại như: Một số đơn vị, cá nhân chưa hiểu hết và áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo dẫn đến sự phối hợp giữa các tổ chức tín dụng với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân các cấp còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ toàn diện. Vì vậy, đã xảy ra nhiều trường hợp khách hàng là bên thế chấp phản đối, cản trở, ngăn cản, đe dọa, thậm chí dùng vũ lực... khiến cho công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ mất an ninh, trật tự trên địa bàn.

Ông Thiệu Ánh Dương, Giám đốc Công ty quản lý nợ Techcombank chia sẻ tại hội nghị, trong quá trình thu giữ tài sản, mặc dù trước đó ngân hàng đã gửi rất nhiều văn bản đến cho đương sự cũng như đến lãnh đạo địa phương nhưng khi đến thời hạn thu giữ thì bị ném chất bẩn hoặc dùng dao, vật nguy hiểm tấn công nhân viên thu hồi. Tuy nhiên, tại đây lại chưa nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương bảo vệ cán bộ ngân hàng.

Ông Dương cũng nêu ra một thực trạng nữa là khi đến nơi, cán bộ chính quyền có mặt nhưng không cho thu giữ tài sản và cho rằng đây là trái pháp luật phải kiện ra tòa.

Ngay chính bản thân ông Dương cũng đã 2 lần "được" cơ quan công an địa phương mời lên lấy lời khai như một tội phạm.

Ông Dương cho rằng nguyên nhân là do chưa có sự đồng nhất ở các chính quyền địa phương. Chính vì vậy ông Dương kiến nghị cơ quan chức năng có những chỉ đạo hướng dẫn cụ thể về hoạt động thu giữ tài sản theo Nghị định 163 nhằm hộ trợ tổ chức tín dụng tiến hành thu giữ, đảm bảo an toàn tính mạng cho người thu giữ và an ninh trật tự địa phương.

Ông Chu Quang Tiến, Phó Cục trưởng Cục thi hành án dân sự Hà Nội cũng chia sẻ thêm, ý thức tuân thủ pháp luật của đương sự chưa cao, bất hợp tác, chống đối, cản trở việc thi hành án diễn ra phổ biến. Thậm chí có nhiều trường hợp chống đối quyết liệt của người phải thi hành án, người có tài sản bảo đảm, lợi dụng các quy định của pháp luật trong khiếu nại, tố cáo về thi hành án như kê biên, thẩm định lại giá tài sản, bán đấu giá.... để cố tình chây ỳ, cản trở, trì hoãn việc thi hành án.

Còn ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Hà Nội lại chỉ ra một kiểu khó thu hồi nợ khác là trình tự, thủ tục khởi kiện, xét xử thường bị kéo dài. Khi ngân hàng nhận được bản án của toàn mất rất nhiều thời gian (ít nhất cũng khoảng 2 năm). Đặc biệt, dù đã có phán quyết của tòa án thì việc thi hành án cũng gặp trở ngại dẫn đến ngân hàng không thể xử lý nhanh nợ xấ.

Cần sự phối hợp nhịp nhàng hơn

Tại hội nghị, Trung tá Nguyễn Thành Long cũng chỉ ra, hiện nay cơ chế trao đổi thông tin khách hàng giữa các tổ chức tín dụng mới chỉ thông qua Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước (CIC) về khách hàng vay vốn, còn khách hàng gửi tiền không có nên rất khó xử lý khi khách hàng có gửi tiền ở ngân hàng này nhưng chây ỳ không trả nợ khoản vay ở ngân hàng khác.

"Ngoài ra, do một số tổ chức tín dụng đánh giá chưa đẩy đủ và phản ánh chính xác số nợ xấu, phân loại nợ chưa đúng bản chất. Hoặc do cạnh tranh và áp lực tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã khoán các chỉ tiêu đến từng nhân viên dẫn đến tình trạng nhân viên tìm cách thực hiện chỉ tiêu cho vay, tạo ra sai sót trong quy trình thẩm định tài sản đảm bảo để các đối tượng bên ngoài tìm cách lợi dụng lừa đảo ngân hàng", ông Long nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu đưa ra là tình trạng cán bộ ngân hàng chưa định giá tài sản đảm bảo đúng giá thị trường khi cho vay nên khi phát mại đấu giá nhiều lần không thành công, không có người mua hoặc cán bộ ngân hàng thấy tài sản đảm bảo qua nhiều chủ, nhiều người sở hữu vẫn cố cho vay gây phức tạp khi xử lý thu hồi tài sản đảm bảo.

Đồng tình với quan điểm này ông Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục an ninh tiền tệ cho rằng, hiện nhiều thông tin chưa được các tổ chức tín dụng trao đổi với lực lượng công an. Để việc xử lý nợ xấu đạt hiệu quả hơn, ông Lĩnh đề nghị các tổ chức tín dụng nên chủ động nhất là các công ty quản lý nợ cần chủ động phối hợp trao đổi thông tin ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, khi cho vay cần xét duyệt thật kỹ hồ sơ thẩm định vay để giảm rủi ro không đáng có như nâng khống giá trị tài sản, làm giả tài liệu… để đảm bảo đúng quy trình.

Cũng theo ông Lĩnh, các cán bộ tín dụng cần có được tinh thần cảnh giác cao nhất và có được phẩm chất tốt nhất để có được những hồ sơ thật sự trong sạch và đúng với quy trình.

"Chúng tôi cũng hiểu, thời điểm này tìm được khách hàng tốt rất khó khăn nhưng không vì thế mà làm ẩu, cần phải tìm được những khách hàng tốt để hạn chế được đầu vào của nợ xấu", ông Lĩnh nhấn mạnh.

Đối với lực lượng công an, ông Lĩnh cũng yêu cầu cần tạo điều kiện giải quyết các kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Hà Nội và các tổ chức tín dụng để xử lý các vấn đề liên quan đến nợ xấu. Tham mưu kịp thời cho chính quyền địa phương để hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ là tài sản đảm bảo, hỗ trợ các tổ chức tín dụng thu hồi nợ vay nhanh chóng, kịp thời./.

(Vietnam+)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất