Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 15/10/2013 23:12'(GMT+7)

Thu hút đầu tư nước ngoài: Chất cần hơn lượng

Dây chuyền sản xuất nhôm tại Công ty Đông Á. Ảnh: Huy Hùng

Dây chuyền sản xuất nhôm tại Công ty Đông Á. Ảnh: Huy Hùng

Nhiều dự án quy mô lớn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm nay, tổng vốn ĐTNN cấp mới và tăng thêm đổ vào Việt Nam là 15 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 872 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 9,294 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2012. Cùng thời gian trên, có 340 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 5,71 tỷ USD, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2012. 

Những con số trên thể hiện kết quả thu hút vốn ĐTNN rất cao, nhất là xét trong bối cảnh phần lớn nhà đầu tư truyền thống đang thực hiện chủ trương giảm vốn đầu tư ra ngoài biên giới. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản và Hàn Quốc đang nổi lên dẫn đầu làn sóng đầu tư vào Việt Nam, với mục tiêu rõ ràng là nhằm thiết lập mạng lưới sản xuất để phục vụ chiến lược xuất khẩu ra thị trường toàn cầu của mình. Giới đầu tư nhấn mạnh, họ sẽ có mặt lâu dài và gắn bó chặt chẽ với thị trường, môi trường đầu tư cũng như nguồn nhân lực Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, việc nhà đầu tư quyết định bỏ vốn vào một địa điểm nào là sự thể hiện kết quả sau một quá trình nghiên cứu tổng hợp, lâu dài. Họ "cân đo" rất kỹ, so sánh hầu hết những tiêu chí, điều kiện thực tiễn và điểm mạnh về môi trường kinh doanh của nước sở tại. Mặt khác, giới đầu tư cũng chạy đua với nhau và tâm lý "không chậm hơn người khác" của mỗi nhà đầu tư đã tạo ra một sự cạnh tranh vừa gay cấn, vừa công bằng. Chẳng hạn, DN Hàn Quốc đang tích cực tìm cơ hội tham gia các dự án xây dựng nhà máy điện ở khu vực miền Trung, trong khi đó nhà đầu tư Anh quốc bày tỏ mong muốn sẵn sàng đầu tư vào ngành thăm dò, xây dựng - vận hành dự án dầu khí và năng lượng ở Việt Nam. Động thái mới nhất, đang gây "sốt" đời sống ĐTNN tại Việt Nam là việc khởi công dự án Liên hợp Lọc hóa dầu trị giá hơn 9 tỷ USD tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) và hứa hẹn một sự lan tỏa rộng, kéo theo nhiều hoạt động kinh tế; nhất là những dự án vệ tinh tại khu vực phụ cận. Cùng thời điểm trên, UBND tỉnh Thanh Hóa còn ký một số thỏa thuận, cam kết hợp tác với nhà ĐTNN về việc triển khai một số dự án mới, với số vốn khoảng 4 tỷ USD. Một lần nữa, bất chấp những khó khăn do nhiều nguyên nhân, các nhà ĐTNN vẫn ồ ạt vào Việt Nam thông qua những dự án có quy mô rất lớn.

Thay đổi về địa bàn tiếp nhận


Xét từ góc độ "chủ nhà", một khi xuất hiện nhiều nhà đầu tư thì đương nhiên Chính phủ, chính quyền các địa phương sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn và kiểm soát để lọc ra những đối tác giàu tiềm năng nhất. Xuất phát từ quá trình 25 năm tiếp nhận vốn ĐTNN và yêu cầu thực tế trong tình hình mới, Việt Nam đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, đồng thời hoàn thiện năng lực thẩm định dự án.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, từ năm 2010 đến nay, Bộ cũng như các địa phương đã thống nhất nâng cao yêu cầu tổng thể đối với dự án xin cấp phép, chú trọng dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa rộng rãi và áp dụng công nghệ cao; kiên quyết từ chối những dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, chiếm nhiều đất hoặc gây ảnh hưởng môi trường. Như vậy, đã đến lúc nhấn mạnh quan điểm "kén" dự án ĐTNN hơn giai đoạn trước, theo hướng ưu tiên chất lượng hơn số lượng.

Thực tế cho thấy, đến nay Việt Nam cũng đạt những tiến bộ rõ rệt trong việc điều chỉnh lại cơ cấu về khu vực, vùng lãnh thổ trên bản đồ tiếp nhận vốn ĐTNN. Thời gian qua, một số tỉnh đã vươn lên, thu được kết quả tích cực trong thu hút vốn ngoại như Thanh Hóa, Bắc Ninh, Thái Nguyên thay vì nguồn vốn này "quen" đổ vào Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm trước. Thực tế này mang lại hiệu ứng rất quan trọng cũng như tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương, gồm tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, tăng nguồn thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng hiện đại. Phát huy kết quả đạt được, nhiều tỉnh đang chủ động quy hoạch, đầu tư xây dựng một số khu công nghiệp (KCN) chuyên dành cho nhà ĐTNN, trong đó có tỉnh Quảng Ninh làm KCN dành riêng cho DN Nhật Bản ở ngoại vi thành phố Hạ Long; Hải Phòng hoàn thiện chính sách, cơ chế gọi ĐTNN vào các KCN mới và bán đảo Đình Vũ, trong khi Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có những động thái chuẩn bị danh mục dự án và nêu rõ yêu cầu về chất lượng đối với nhà đầu tư nhằm đón lõng dòng vốn ngoại trong thời gian tới.

Ngoài ra, các ngành chức năng cũng hy vọng vào việc đóng góp nhiều hơn từ phía cộng đồng DN ĐTNN, nhất là về xuất khẩu. Mong muốn này hoàn toàn có cơ sở, bởi đến nay giá trị hàng hóa xuất khẩu của khu vực có vốn nước ngoài đã chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; từ đó góp phần tạo nguồn ngoại tệ, giảm mức độ nhập siêu, tiến tới lành mạnh hóa cán cân thương mại quốc gia…/.

Hồng Sơn (HNM
)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất