Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 được đánh giá là sẽ “gỡ” được nhiều “nút thắt” trong phát triển khoa học và công nghệ.
Đặc biệt, việc xác định xây dựng đồng bộ chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ, trong đó chú trọng cán bộ trẻ có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng cho cán bộ khoa học trẻ, các nhóm sinh viên giỏi trong các trường đại học trọng điểm và các viện nghiên cứu trọng điểm, đã mang lại nhiều tín hiệu đáng mừng và quan trọng là mang lại niềm tin cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học nước nhà.
* Nguồn lực chất xám đang bị lãng phí
Đánh giá về chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ trong các trường đại học, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhận định: Việt Nam đang rất lãng phí nguồn lực chất xám ở các trường đại học, nơi tập trung rất đông nguồn nhân lực trình độ cao với nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Nhưng các trường đại học hiện nay đang gần như không đóng góp nhiều cho kết quả nghiên cứu khoa học của đất nước, trong khi các trường đại học trên thế giới lại là nơi sản sinh ra các giải Nobel, sáng chế...
Bộ trưởng Nguyễn Quân đã chỉ ra những nguyên nhân khiến hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học của Việt Nam yếu kém. Đó là các trường đại học không đủ nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, ngay cả trường trọng điểm lớn thì kinh phí nghiên cứu khoa học dành cho giáo viên, cán bộ giảng dạy chỉ có vài ba tỷ đồng mỗi năm. Các trường đại học không có biên chế làm khoa học chuyên nghiệp, vì vậy nghiên cứu được coi là hoạt động làm thêm của cán bộ giảng dạy.
Theo Bộ trưởng, đã từng có thời gian thực hiện giao biên chế khoa học cho các trường đại học nên hoạt động nghiên cứu đã có tác dụng nhất định. Sau này, khi không còn biên chế nghiên cứu cho các trường, thì gần như không còn những người làm nghiên cứu chuyên nghiệp nữa. Các trường không còn nguồn kinh phí để trả lương, cũng như hỗ trợ hoạt động nghiên cứu.
Ngoài ra, do các trường đại học hiện nay có khối lượng giảng dạy quá lớn, dẫn tới các giảng viên không đủ thời gian nghiên cứu. Có những trường, giảng viên đảm bảo khối lượng lớn gấp nhiều lần định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi không chỉ dạy trong trường, mà còn dạy thêm ở các trường tư thục, dân lập, cao đẳng, tại chức, nên không có thời gian, tâm trí cho nghiên cứu khoa học...
PGS.TS Lê Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, chảy máu chất xám không chỉ ở khu vực nghiên cứu khoa học, mà còn ở các tổ chức nghiên cứu thuộc nhà nước sang các tổ chức ngoài nhà nước và phi chính phủ, từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng và triển khai vì các công việc này tạo ra thu nhập cao hơn, nhu cầu thị trường lớn hơn.
Bày tỏ quan ngại trước thực trạng xuống cấp liên tục và nhanh chóng của nguồn nhân lực sáng tạo ở các viện nghiên cứu, trường đại học và hệ thống giáo dục, GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) cho rằng, nếu nhà nước không có thay đổi ngay và căn bản trong chính sách con người thời gian tới, tác hại của thực trạng hôm nay sẽ còn gây tổn thất kéo dài đến 30 – 50 năm sau...
* Cần có chính sách thu hút nhân tài
Một trong những nguyên nhân chính gây nên sự thiếu hụt nhân tài khoa học là do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Điều này dẫn đến kết quả là học sinh, sinh viên giỏi ít chọn con đường nghiên cứu khoa học. Số ít người giỏi đam mê khoa học đều đi du học và không nhiều người chọn con đường trở về nước.
Theo PGS.TS Lê Thanh Sang và Ths Từ Thị Phi Điệp (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), yêu cầu đổi mới phương thức sử dụng và đãi ngộ cán bộ khoa học là hết sức cấp bách, vượt ra khỏi những thích ứng mang tính nội bộ, chắp vá và tạm thời của cá nhân từng chức danh nghiên cứu khoa học. Yêu cầu đổi mới đòi hỏi phải có những thay đổi cơ bản các quy định mang tính thể chế về quản lý khoa học ở cấp quốc gia. Các quy định này thường chậm đổi mới, nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, đang làm cho việc sử dụng cán bộ khoa học kém hiệu quả, chảy máu chất xám và những hệ lụy không mong muốn do tình trạng “lách” các quy định để tồn tại.
Trước thực trạng chảy máu chất xám hiện nay, các nhà quản lý, nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học thông qua thí điểm cấp kinh phí đào tạo nghiên cứu sinh tương đương với kinh phí được cấp cho nghiên cứu sinh đi du học ở nước ngoài trong khuôn khổ đề án 322 sẽ giúp tiết kiệm được nguồn ngoại tệ, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo của cơ sở, “giữ chân” được những người có năng lực làm việc trong nước.
PGS.TS Lê Thanh Sang đề nghị xây dựng các tiêu chuẩn đề bạt, đãi ngộ cán bộ phù hợp với chuẩn mực quốc tế; áp dụng chế độ ký hợp đồng có thời hạn với những chỉ tiêu cụ thể và đãi ngộ thích hợp để tăng tinh thần trách nhiệm và tính cạnh tranh; đồng thời phát triển các quỹ nghiên cứu khoa học với các thủ tục đơn giản nhưng được tuyển chọn và tổ chức nghiệm thu nghiêm ngặt từ các hội đồng có sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học trong và ngoài nước, nhằm đảm bảo chất lượng nghiên cứu.
Để có thể thu hút nhân tài làm khoa học, Nhà nước cần có chính sách, biện pháp cụ thể và hữu hiệu nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhân tài khoa học phát triển. Các chính sách và biện pháp nhằm thu hút nhân tài khoa học cần được xây dựng dựa trên tình hình cụ thể tại các trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu trong cả nước. Trong điều kiện kinh phí eo hẹp, Nhà nước cần tập trung đầu tư cho các đề án thu hút nhân tài khoa học có tính khả thi, mang lại hiệu quả cao.../.
TTXVN