(TCTG)-Ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) ít được nhắc đến trong khối các ngành nghề, nhưng mấy ai biết rằng hoạt động thầm lặng của những con người đang hàng ngày lao động, cống hiến ấy đã mang lại một ý nghĩa hết sức lớn lao. Nửa thế kỷ qua, họ vẫn luôn miệt mài nghiên cứu, bền bỉ sáng tạo, với mục tiêu đưa ra một “hệ số chuẩn mực” cho sự phát triển của xã hội.
Hoạt động chuyên môn gắn liền với kiện toàn hành lang pháp lý
Ra đời trong bối cảnh đất nước đang bị chia cắt (1962), bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, đội ngũ những người làm công tác TCĐLCL khi ấy còn mang trên mình trọng trách vừa cùng với nhân dân cả nước ra sức thi đua sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc, vừa làm hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến miềm Nam. Xác định được những khó khăn thách thức, ngay từ những ngày đầu thành lập, ngành TCĐLCL đã lựa chọn hướng đi cho mình bằng việc không ngừng học hỏi, hình thành tư duy, phương pháp luận, các văn bản pháp quy về công tác tiêu chuẩn hoá và đảm bảo đo lường, đồng thời nhanh chóng hình thành các sản phẩm đầu tiên về Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và các chuẩn đo lường nhằm phục vụ cho các hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hoá, phục vụ cho quốc phòng và dân sinh. Chính những bước đi ban đầu vững chắc ấy đã đặt nền móng phát triển cho ngành TCĐLCL còn non trẻ lúc bấy giờ.
|
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao tặng Huân chương độc lập hạng Nhất cho Tổng cục TCĐLCL. Ảnh:NH |
Vừa hoạt động chuyên môn, vừa tích cực tham mưu với các cấp uỷ và Nhà nước kịp thời xây dựng và kiện toàn khung hành lang pháp lý làm cơ sở cho hoạt động TCĐLCL đi vào khuôn khổ và nền nếp. Tổng cục luôn thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm về TCĐLCL, các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Các văn bản này đã tạo nên một hệ thống khá hoàn chỉnh các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động TCĐLCL qua từng thời kỳ.
Trong những năm gần đây, công tác xây dựng pháp luật về TCĐLCL đạt được những thành công nhất định với các nỗ lực đổi mới, hoàn thiện và tạo lập nền tảng pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh nhất cho các hoạt động tiêu chuẩn hóa, quản lý chất lượng sản phẩm và đo lường trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây là giai đoạn quan trọng khi nền tảng pháp lý cho 03 lĩnh vực hoạt động TCĐLCL thực sự có những bước tiến trọn vẹn khi hệ thống các đạo luật chuyên ngành đã được ban hành như: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (2006), Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (2007) và Luật Đo lường (ban hành cuối năm 2011). Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản dưới Luật cũng được ban hành kịp thời, góp phần cụ thể hoá các nguyên tắc và giải pháp mang tính đổi mới trong các đạo luật chuyên ngành. Các văn bản quy phạm pháp luật gồm hàng chục Nghị định, Thông tư và các Quyết định do Tổng cục tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&CN, ban hành trong giai đoạn 2004 - 2011 đã thể chế hoá rõ nét các cơ chế, chính sách đột phá trong lĩnh vực TCĐLCL.Các văn bản này mang đậm tính bước ngoặt bởi tính chất quan trọng và tầm ảnh hưởng của nó tới đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng hành mang đến những “hệ số chuẩn mực”
Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, sự biến động và phát triển của nền kinh tế xã hội, ngành TCĐLCL đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một cơ quan đầu mối về hoạt động TCĐLCL tại Việt Nam. Hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) tính từ khi công bố tiêu chuẩn đầu tiên vào năm 1962 đến nay đã công bố được trên 10.000 TCVN là cơ sở và chuẩn mực cho việc tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý. Hiện tại có hơn 6.400 TCVN đang có hiệu lực. Hệ thống TCVN thường xuyên được điều chỉnh và sửa đổi nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước và thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với thông lệ và quy định quốc tế. Từ năm 2007 đến nay, ngành đã xây dựng được khoảng hơn 250 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Đến hết năm 2008, Tổng cục cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành rà soát, chuyển đổi gần 5.000 TCVN (ban hành từ năm 2003 trở về trước) thành TCVN . Trong hoạt động đo lường, ngành đã thiết lập và duy trì hệ thống Chuẩn đo lường quốc gia với 15 Chuẩn đo lường quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng cục TCĐLCL cũng đã xây dựng được một mạng lưới kiểm định từ Trung ương đến địa phương đáp ứng các nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn của xã hội. Tính đến nay, Tổng cục đã chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên đo lường cho trên 4.450 người trong đó có khoảng hơn 3.200 cán bộ ngoài ngành TCĐLCL. Công tác quản lý chất lượng cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiêu biểu là việc thực hiện Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2000 vào các cơ quan hành chính. Điều này đã góp phần đắc lực đẩy nhanh mục tiêu cải cách hành chính với những kết quả bước đầu đáng kích lệ. Tính đến cuối tháng 8/2011, TCĐLCL đã cấp giấy chứng nhận Hệ thống quản lí chất lượng (HTQLCL) cho hơn 2.000 cơ quan hành chính nhà nước.
Bên cạnh các hoạt động về TCĐLCL trong nước, Tổng cục TCĐLCL còn thường xuyên duy trì mối quan hệ với hơn 30 nước trong khu vực và thế giới trong việc hợp tác trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong lĩnh lực đo lường chất lượng. Là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt tại 14 tổ chức chuyên ngành như: Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực ISO, IEC (Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế), Hội nghị Tiêu chuẩn Khu vực Thái Bình dương (PASC), Ủy ban Tư vấn của ASEAN về Tiêu chuẩn và Chất lượng (ACCSQ), Tiểu ban Tiêu chuẩn và Sự phù hợp của APEC ; Công ước Mét ; Chương trình Đo lường Châu Á-Thái Bình Dương và nhiều tổ chức quốc tế khác như APO (Tổ chức Năng suất Châu Á), Tổ chức Mã số-Mã vạch Quốc tế....
Ngoài ra TCĐLCL còn tổ chức thành công Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) hàng năm dựa trên cơ sở Giải thưởng Chất lượng Việt Nam (GTCLVN) được thiết lập và triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của Giải thưởng Malcolm Baldrige (Mỹ). Sự hình thành GTCLQG đã đánh dấu một bước phát triển mới cho hoạt động năng suất- lượng sản phẩm Việt Nam cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của các Doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và Quốc tế.
Nửa thế kỷ đồng hành và phát triển cùng dân tộc, Tổng cục TCĐLCL đã đặt nền móng thành công cho hoạt động TCĐLCL tại Việt Nam. Để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh cao cả trên, ngành TCĐLCL tiếp tục đẩy mạnh và kiện toàn khung hàng lang pháp lý, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách về TCĐLCL kịp thời phục vụ hiệu quả cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm mang hàm lượng trí tuệ cao, đạt tiêu chuẩn trong khu vực và quốc tế, xứng đáng là “đầu tầu” của những “hệ số chuẩn mực” vì sự phát triển và tiến bộ của xã hội./.
Ngũ Hiệp- Trung tâm truyền thông khoa học công nghệ (Bộ KH&CN)