Ngày 4/4, Thủ tướng Chính phủ có công
điện gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục triển
khai quyết liệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia
cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết
liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng cùng các địa
phương đã vào cuộc tích cực để triển khai thực hiện Đề án phòng ngừa,
ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu
trái phép.
Về cơ bản, tình hình vận chuyển, kinh
doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép đã được kiểm soát,
bước đầu đã góp phần phục hồi và phát triển chăn nuôi gia cầm trong
nước, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu vẫn không ngừng hoạt động, một số đối
tượng đã cam kết không vi phạm pháp luật nhưng không ít các đối tượng
này vẫn bí mật điều hành, phương thức và thủ đoạn thay đổi, ngày càng
tinh vi, liều lĩnh.
Để ngăn chặn gia cầm và sản phẩm gia cầm
nhập lậu, sự xâm nhiễm virus cúm gia cầm, đặc biệt là chủng virus cúm
gia cầm H7N9 từ nước ngoài vào Việt Nam, bảo vệ sức khỏe và tính mạng
của người dân, không để lây lan dịch bệnh cho gia cầm trong nước, Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu:
Các Bộ, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc tiếp tục chỉ đạo
quyết liệt, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án phòng ngừa, ngăn
chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái
phép; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; tăng
cường quản lý, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm
gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không bảo đảm an toàn
thực phẩm lưu thông trên thị trường; thực hiện nghiêm Công điện khẩn số
08/CĐ-BNN-TY ngày 2/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia
cầm qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới tăng
cường công tác chỉ đạo, tổ chức tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng
trên địa bàn (Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Hải quan, Thú y)
tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm,
triệt để tất cả các trường hợp tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động
vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép
qua biên giới.
Bộ Công thương thường xuyên theo dõi nắm
chắc tình hình, đôn đốc việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo hàng
tháng theo quy định; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những diễn
biến bất thường, các tổ chức, cá nhân vi phạm, các đơn vị, địa phương để
xảy ra vụ việc vi phạm nhiều, kéo dài; đề xuất biện pháp xử lý; chỉ
đạo, hướng dẫn, hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường các địa phương trong
quá trình thực hiện.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng
tiếp tục điều tra, theo dõi nắm tình hình, cập nhật danh sách các đối
tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm nhập
lậu; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa,
đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng
tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; chỉ đạo
lực lượng thú y đặc biệt là lực lượng thú y tại các tỉnh biên giới tăng
cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên ngành trong kiểm tra,
bắt giữ và xử lý vi phạm; tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm
dịch nhằm hạn chế tối đa việc gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm
dịch lưu thông trên thị trường.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các
đơn vị bộ đội biên phòng tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phối
hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, bắt giữ và xử lý
nghiêm các vụ việc nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; làm
tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý nội bộ; phối hợp với
chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên
giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái
phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương
chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 550/QĐ-TTg ngày 4/4/2013 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án truyền thông về phòng ngừa, ngăn
chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái
phép và vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cung cấp
và phổ biến thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm. Đẩy mạnh các hoạt
động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia
cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Công an,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các
địa phương trong việc rà soát, ban hành và áp dụng các quy định của pháp
luật để giải quyết các vấn đề phát sinh và xử lý các vụ việc vi phạm
trong quá trình thực hiện Đề án.
Cũng trong ngày 4/4, Bộ Y tế vừa đưa ra khuyến cáo người dân chủ động phòng chống cúm A(H7N9) lây từ gia cầm sang người.
Cụ thể, Bộ Y tế khuyến cáo người dân
thực hiện tốt một số biện pháp sau: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở
thông thoáng, an toàn thực phẩm, hạn chế tiếp xúc với người bệnh,
thường xuyên rửa tay với xà phòng; Không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia
cầm không rõ nguồn gốc; Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, phải báo kịp
thời cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; Khi có các
biểu hiện cúm ho, đau ngực, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư
vấn khám, điều trị kịp thời; Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải
áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ
quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
Bộ đã xây dựng kế hoạch hành động phòng
chống cúm H7N9 và đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống
dịch tại một số tỉnh biên giới./.
Theo VOV