Một mã số thay cho hàng chục loại giấy tờ công dân phổ biến và các số
khác như số thẻ bảo hiểm y tế, số sổ bảo hiểm xã hội, số Sổ hộ khẩu…
Đây
là ý tưởng được đặt ra trong dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ
tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia
liên quan đến quản lý dân cư. Chiều 26/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ
chức Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Đề án này.
Theo Bộ Tư pháp, Đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí thực
hiện thủ
tục hành chính cho người dân. Dự thảo Đề án được thiết kế theo hướng tập
trung ưu tiên cho việc “số hóa,” “điện tử hóa” các thông tin của công
dân để phục vụ quản lý dân cư, làm nền tảng cho việc thực hiện đơn giản
hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia
liên quan đến quản lý dân cư.
Dự thảo Đề án đã xác định số định danh cá
nhân cấp cho công dân chính là số chứng minh nhân dân mới (12 số) mà Bộ
Công an đã triển khai thí điểm cấp cho công dân tại Công an thành phố Hà
Nội.
Số định danh công dân là số duy nhất để truy nguyên công dân trong
tất cả các ngành, lĩnh vực, công dân chỉ cần biết duy nhất một số là số
định danh; đây là cơ sở để các ngành kết nối, khai thác sử dụng thông
tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ quản
lý ngành. Theo lộ trình của Đề án, đến năm 2020, toàn bộ công dân Việt Nam đều có số định danh cá nhân.
Theo rà soát của
Bộ Tư pháp, có khoảng 1.300 thủ
tục hành chính trong mẫu đơn tờ khai yêu cầu khai
thông tin cơ bản về công dân hoặc yêu cầu xuất trình/nộp bản sao/bản sao
có chứng thực một/một số giấy tờ như giấy khai sinh/chứng sinh, sổ hộ
khẩu, chứng minh nhân dân/hộ chiếu, sơ yếu lý lịch, giấy đăng ký kết
hôn, giấy chứng tử.
Trong đó, 1.045 mẫu đơn, tờ khai có yêu cầu cung cấp
thông tin về công dân. Tính toán sơ bộ của Bộ này cho thấy việc vận
hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cắt giảm chi phí điền
thông tin trong mẫu đơn, tờ khai cho công dân, ước tính khoảng 198 tỷ
đồng.
Cũng trong gần 1.300 thủ
tục hành chính, có 724 thủ
tục hành chính yêu cầu xuất trình/nộp bản
sao/bản sao có chứng thực một/một số giấy tờ trên. Sử dụng Cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư sẽ giúp cắt giảm chi phí cho việc xuất trình hoặc
nộp bản sao/bản sao có chứng thực các giấy tờ, ước tính khoảng 1.445 tỷ
đồng/năm. Như vậy, tổng chi phí tiết kiệm được cho công dân là khoảng
1.643 tỷ đồng/năm.
Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong
quản lý ngành, lĩnh vực còn giúp giảm được việc phải xuất trình/nộp bản
sao/nộp bản sao có chứng thực nhiều loại giấy tờ khác như: các loại thẻ,
sổ, văn bằng, chứng chỉ... Lợi ích này cũng chưa tính việc cơ quan quản
lý nhà nước không phải bố trí nguồn lực để thực hiện việc nhập thông
tin cơ bản về công dân vào các cơ sở dữ liệu của ngành, lĩnh vực, cũng
như giảm các chi phí xây dựng các trường thông tin cơ bản về công dân
khi xây dựng các cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực.
Tham luận
tại Hội thảo, các đại biểu đều có chung nhận định phải có số định danh
cá nhân. Số định danh cá nhân sẽ là chìa khóa mở vào kho dữ liệu của
công dân, truy nguyên công dân trong các lĩnh vực. Thay cho việc người
dân phải chứng minh bản thân thì cơ quan nhà nước phải tự tìm hiểu về
họ. Đây là cơ sở để cải cách thủ
tục hành chính một cách triệt để, khắc phục tình
trạng cát cứ, cắt khúc thông tin, không minh bạch, gây phiền hà tốn kém
cho xã hội.
Để phát huy tác dụng của số định danh, phải có cơ sở dữ liệu
quốc gia chứa tất cả các thông tin về một con người từ khi sinh ra đến
khi mất đi, để người dân thuận tiện khi chứng minh nhân thân của mình
với cơ quan nhà nước và các tổ chức, thực hiện thủ tục một cách nhanh
nhất, thuận tiện nhất mà có thể không cần phải đến cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, một số đại biểu còn bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của Đề
án, lộ trình thực hiện, mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia này với
cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành, cũng như việc duy trì, cập nhật,
quản lý, sử dụng, khai thác các dữ liệu này.
Các đại biểu đề nghị Đề án
phải có tính định lượng hơn về thời gian, kinh phí tổ chức thực hiện. Về
băn khoăn xung quanh việc bảo mật thông tin và vật mang số định danh,
đại diện Bộ Tư pháp khẳng định các thông tin cá nhân được bảo mật tuyệt
đối bằng công nghệ tin học, số định danh cá nhân ai cũng đọc được nhưng
chỉ người mang số đó mới có mật khẩu để tra cứu và hoàn toàn không bị
xâm phạm đời tư. Chứng minh nhân dân sẽ là vật mang số định danh./.
Theo TTXVN