Hội nghị được truyền hình trực
tuyến từ Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội đến 63 tỉnh, thành phố trong cả
nước.
Các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Phó
Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân
Phúc; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đồng chủ trì Hội nghị.
Sau 8
năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông,” công tác bảo đảm trật
tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, song tình hình vi phạm trật tự an
toàn giao thông còn diễn ra phức tạp; tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm
trọng, nhất là số người chết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, gây thiệt hại
nghiêm trọng về người và tài sản. Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đường
bộ vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền
vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của đất nước Việt Nam với bạn bè
quốc tế.
Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW để tiếp tục thực hiện
các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt,
đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông trong tình hình
mới.
Giới thiệu một số nội dung của Chỉ thị, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ
trưởng Bộ Công an cho biết Chỉ thị nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm cấp ủy
Đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội
và các tầng lớp nhân dân về công tác này; thực hiện toàn diện, đồng bộ, liên tục
các chủ trương, giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác bảo đảm trật tự,
an toàn giao thông; phấn đấu hằng năm kiềm chế, làm giảm từ 5% đến 10% tai nạn
giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao thông
đường bộ.
Các nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế được huy động để bảo
đảm các điều kiện phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao
thông công cộng; xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao
thông trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tại hội nghị, đại
diện các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương đã thảo luận, đề xuất các giải
pháp nhằm kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Nhiều ý
kiến nhấn mạnh về vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới phương thức
tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, đấu tranh với các hành vi
vi phạm trật tự giao thông; nâng cao năng lực vận tải, phát triển kết cấu hạ
tầng giao thông.
Phát biểu chỉ đạo, ông Lê Hồng Anh chỉ rõ những tồn tại,
hạn chế trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông như một số cấp ủy
Đảng, chính quyền, nhất là cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, thủ trưởng đơn
vị chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự,
an toàn giao thông. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thực
hiện chưa thường xuyên, liên tục, thiếu quyết liệt; còn biểu hiện phó
mặc cho ngành công an và giao thông vận tải.
Thêm vào đó, các giải
pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thực hiện chưa thường xuyên,
liên tục và mạnh mẽ. Phương tiện giao thông tăng quá nhanh, trong khi kết
cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp yêu cầu vận tải phục vụ phát
triển kinh tế-xã hội và sự đi lại của nhân dân. Ý thức tự giác chấp
hành pháp luật, trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham
gia giao thông chưa cao. Việc phân công, phân cấp về công tác bảo đảm trật
tự, an toàn giao thông có mặt chưa hợp lý; phối hợp giữa các ngành,
các cấp chưa chủ động.
Ông Lê Hồng Anh nhấn mạnh cần huy động sức
mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của
nhân dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Đảng
đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Các ngành chức
năng, nhất là chính quyền địa phương tăng cường quản lý nhà nước,
thực sự coi trọng công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, xác định
đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Cấp ủy chính quyền các
cấp phải có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai và
thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp về bảo đảm trật tự,
an toàn giao thông.
Ông Lê Hồng Anh yêu cầu tăng cường công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông để người dân nâng
cao nhận thức, trách nhiệm công dân tự giác chấp hành luật giao thông,
thực hiện nếp sống "văn hóa giao thông"; tổ chức phong phú các hình thức
giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân.
Các cơ quan thông tấn báo
chí, phát thanh, truyền hình cần đi đầu trong công tác này. Cùng với biểu
dương, phổ biến gương người tốt, việc tốt, cần lên án các hành vi cố
ý vi phạm, coi thường pháp luật về giao thông, tạo sự đồng thuận cao
trong thực hiện các chủ trương, biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong
xã hội.
Các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ
chức chính trị-xã hội phải tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên,
công nhân, viên chức, đoàn viên, hội viên tự giác, gương mẫu chấp hành
pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đồng thời vận động mọi người từ
trong gia đình đến xã hội chấp hành một cách tự giác. Nội dung này cần được đưa
vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ đảng, các đoàn thể, tổ chức chính
trị-xã hội; đưa việc xây dựng và thực hiện "văn hóa giao thông" vào nội dung
cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân
cư".
Các cấp ủy, chính quyền, đơn vị phải coi việc chấp hành pháp
luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chuẩn đánh giá chất
lượng tổ chức Đảng và phân loại đảng viên; không xét thi đua khen
thưởng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, lực
lượng vũ trang... vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao
thông.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tập trung xây dựng và phát
triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng và triển khai
chiến lược phát triển phương tiện phù hợp với sự phát triển của kết
cấu hạ tầng giao thông; tổ chức kết nối các phương thức vận chuyển
giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển để giảm
tải hoạt động vận chuyển bằng đường bộ; tiếp tục đầu tư xây dựng cầu
vượt đường bộ tại điểm giao cắt trên các tuyến đường trọng điểm, thành phố Hà
Hội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác.
Ông Lê Hồng Anh đề
nghị cần t ăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự,
an toàn giao thông trong đó, các cơ quan chức năng tập trung rà soát, sửa đổi,
bổ sung xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về
trật tự, an toàn giao thông; quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các
ngành, chính quyền địa phương và cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn
vị trong quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng đào
tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và quản lý người được cấp giấy
phép lái xe sau sát hạch; nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra,
xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông./.
Theo TTXVN