Một ngày sau khi chủ trì buổi làm việc giữa lãnh đạo các bộ, ngành Trung
ương với cán bộ chủ chốt tỉnh Cao Bằng, sáng 25/11, Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư,
thương mại và du lịch Cao Bằng năm 2018.
Đây cũng là sự kiện xúc tiến thương mại có quy mô lớn nhất từ trước đến
nay tại Cao Bằng - địa phương thuộc diện khó khăn nhất cả nước. Tham dự
sự kiện này, ngoài đông đảo doanh nghiệp trong nước, còn có một số tổ
chức kinh tế, thương mại của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), địa phương
giáp ranh với tỉnh Cao Bằng.
HÃY COI CAO BẰNG NHƯ QUÊ HƯƠNG THỨ HAI
Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng mời gọi các nhà đầu tư, các doanh
nhân, quý doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức
từ trong và ngoài nước đến với Cao Bằng với phương châm: “Hãy coi Cao
Bằng như quê hương thứ hai, như ngôi nhà chung để cùng chính quyền và
nhân dân các dân tộc trong tỉnh dựng xây những giá trị mới; cùng kiến
tạo những "sân chơi" lành mạnh, minh bạch và công bằng- là nơi mà các
thành phần tham gia đều được hưởng những lợi ích chính đáng”.
Lãnh đạo tỉnh cũng cam kết sẽ luôn duy trì ba ổn định, bao gồm ổn định
về chính trị-an ninh; ổn định chính sách thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư; ổn
định trong tư duy nhất quán phục vụ tốt hơn nữa doanh nghiệp và người
dân.
Tỉnh Cao Bằng cũng tiếp tục kêu gọi 32 dự án đầu tư trong các lĩnh vực:
Du lịch gắn với giá trị sinh thái bền vững, nông nghiệp công nghệ cao
gắn với du lịch, chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; cơ sở hạ
tầng, kết nối giao thông...
TÌM RA NHỮNG ĐÒN BẨY CHIẾN LƯỢC
Hoan nghênh Cao Bằng đã tổ chức một sự kiện hội nghị xúc tiến đầu tư
công phu, quy mô lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến vị trí,
vai trò và tiềm năng to lớn của mảnh đất và con người Cao Bằng được
nhiều thế hệ lãnh đạo trong lịch sử “đặt niềm tin chính trị”, làm nơi
khởi nguồn cách mạng và đã thành công.
“Chúng ta sẽ quyết tâm tìm ra những đòn bẩy chiến lược để phát triển
kinh tế Cao Bằng”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh đến việc khai thác tiềm
năng rất lớn từ thị trường tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với quy mô kinh
tế lớn, tốc độ tăng trưởng cao; quen thuộc và ưa dùng các sản phẩm Việt
Nam. Cũng từ Quảng Tây, hàng hóa của Cao Bằng và Việt Nam có thể kết nối
với nhiều địa phương khác của Trung Quốc và các quốc gia ASEAN.
Vui mừng nhận thấy một không khí sôi động về đầu tư, thương mại đang đến
và khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của Cao Bằng, song Thủ tướng cũng chỉ
rõ Cao Bằng còn là một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hạ tầng giao
thông kết nối còn hạn chế. Cho biết đây cũng là lý do Thủ tướng trở lại
lần thứ hai làm việc với Cao Bằng sau chuyến công tác năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
THƯƠNG HIỆU DU LỊCH MIỀN NÚI CỦA VIỆT NAM
Thủ tướng nêu ra 3 hướng đi chính cho phát triển kinh tế - xã hội của Cao
Bằng bao gồm dịch vụ du lịch; nông nghiệp lâm nghiệp chế biến, ứng dụng
công nghệ cao và kinh tế cửa khẩu.
Về du lịch, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần đặc biệt coi trọng theo hướng
đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang bản sắc Cao Bằng,
đưa những di sản văn hóa, di tích quốc gia đặc biệt phục vụ cho quốc kế
dân sinh, đặc biệt là Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao
Bằng và hơn 215 di tích được xếp hạng.
“Mô hình du lịch của Cao Bằng phải là sự cộng hưởng, tương tác chiến
lược các giá trị văn hóa, lịch sử, lòng yêu nước, cảnh quan thiên nhiên,
ẩm thực”,... để tạo ra ngành du lịch đa dạng, phong phú, có bản sắc để
khách du lịch “một lần đi, nhiều lần nhớ” đến Cao Bằng, Thủ tướng nói và
đề nghị tỉnh gắn phát triển du lịch với tiêu thụ những đặc sản địa
phương để vừa cải thiện đời sống người dân và bổ sung cho tính đa dạng
của du lịch Cao Bằng.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Cao Bằng phát triển thương hiệu du lịch miền núi cho Việt Nam.
PHÁT HUY THẾ MẠNH NHIỀU ĐẶC SẢN NỔI TIẾNG
Về phát triển nông lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao, Thủ
tướng nêu rõ, Cao Bằng có tiềm năng rất lớn về đất phát triển lâm nghiệp
và nông nghiệp. Nhiều vùng sinh thái và gắn liền với các cây trồng, vật
nuôi đặc hữu riêng có, với nguồn gien phong phú. Đặc biệt Cao Bằng sở
hữu nhiều đặc sản nổi tiếng như lúa nếp hương Xuân Trường, cam Trưng
Vương, quýt Hà Trì, thạch đen, bí xanh vùng Hòa An, Hà Quảng, Thông
Nông; chè Phja Oắc, Phja Đén, mận máu Bảo Lạc, quýt Trà Lĩnh, lê Đông
Khê, bưởi Phục Hòa, hạt dẻ Trùng Khánh…
Đây là lợi thế lớn nhất của Cao Bằng mà các tỉnh khác không có được, Thủ
tướng nói và gợi ý tỉnh định hướng phát triển nông nghiệp dựa trên ba
trụ cột gồm: Sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch, ứng dụng công nghệ cao
trong sản xuất và chế biến và liên kết chuỗi giá trị và liên kết cụm
ngành. Đặc biệt, Thủ tướng gợi ý Cao Bằng tập trung phát triển ngành
xuất khẩu gỗ rừng trồng – một mặt hàng xuất khẩu chủ lực và là thế mạnh
của Việt Nam. Cùng với đó là nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường để
định hướng nâng cao chất lượng hàng hóa.
Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp nhận chủ trương đầu tư và
ký kết ghi nhớ đầu tư vào tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: TTXVN)
CƠ HỘI CHIẾN LƯỢC TỪ KINH TẾ CỬA KHẨU
Cho rằng, phát triển kinh tế cửa khẩu là một hướng ra trọng tâm của Cao
Bằng, là chìa khóa hội nhập và phát triển, Thủ tướng đề nghị tỉnh “thực
hiện nghiêm túc nguyên tắc thúc đẩy hoà bình, hợp tác cùng phát triển,
hai bên cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền của nhau. Đề cao hợp tác
thương mại xuyên biên giới, đặc biệt là với thị trường đông dân nhất thế
giới. Cao Bằng phải thấy được cơ hội chiến lược của mình trong đó”.
Để phát huy được lợi thế của địa phương, Thủ tướng đề nghị Cao Bằng cần
chú trọng phát triển cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Theo đó, ngoài lĩnh
vực giao thông, tỉnh cần chú ý đầu tư cho nguồn vốn con người, nhất là
đào tạo lao động có kỹ năng chuyên sâu trong một số lĩnh vực trọng tâm
mà tỉnh có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.
Thủ tướng đề nghị Cao Bằng cần đưa ra thông điệp với các nhà đầu tư về
việc xóa bỏ “ranh giới mềm” trong bối cảnh “điều kiện cứng” còn khó
khăn, chưa thuận lợi. Cụ thể, phấn đấu đưa chỉ số PCI đang ở thứ hạng
thấp ít nhất phải đạt ở nhóm trung bình khá để có thể “hội nhập” và hòa
mình hiệu quả vào dòng chảy năng động và phát triển của cả Vùng động lực
tăng trưởng kinh tế phía Bắc.
“Chính quyền cần cùng tham gia giải bài toán chi phí và lợi nhuận của
doanh nghiệp khi đầu tư vào Cao Bằng, chứ không nên xem đó là việc của
doanh nghiệp,” Thủ tướng nói.
"CHÂN ĐI ĐÁ LẠI DÙNG DẰNG, NỬA NHỚ CAO BẰNG NỬA NHỚ VỢ CON"
Truyền tải thông điệp với nhà đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh Cao Bằng là
cái nôi của cách mạng nhưng còn rất khó khăn. Đầu tư ở đây, ngoài việc
đem lại lợi ích kinh tế, còn tạo ra được việc làm và thu nhập cho đồng
bào còn đang rất nghèo.
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết đầu tư của mình
và đóng góp xứng đáng cho kinh tế địa phương và chia sẻ có trách nhiệm
với sinh kế người dân địa phương.
“Chúng ta cam kết không gây ô nhiễm môi trường, không phá vỡ các giá trị
văn hóa truyền thống và lịch sử, không sử dụng lao động bất hợp pháp,
và không trốn thuế. Chúng ta cam kết đầu tư vì sự phát triển của Cao
Bằng, trong đó có lợi ích lâu dài của chính chúng ta. Chúng ta tự hào là
những nhà đầu tư chân chính”, Thủ tướng nói.
Kết thúc bài phát biểu của mình, Thủ tướng nhắc đến câu ca dao nói về
tình cảm của lữ khách đến thăm Cao Bằng “Chân đi đá lại dùng dằng, nửa
nhớ Cao Bằng nửa nhớ vợ con”. Thủ tướng tin tưởng, với những kết quả hội
nghị xúc tiến đầu tư lần này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao
Bằng sẽ kiên trì và nỗ lực vươn lên để thành công.
Tại Hội nghị, tỉnh Cao Bằng đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy
chứng nhận đầu tư cho 14 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng giá
trị 3.581 tỷ đồng; trao 16 Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều
lĩnh vực với tổng mức đầu tư dự kiến trong thời gian tới trên 28.500 tỷ
đồng. Cũng tại hội nghị, 4 ngân hàng thương mại tiếp tục cam kết tài trợ
vốn tín dụng cho 6 dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh,
tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng, du lịch... với số tiền
gần 2.000 tỷ đồng. /.
(TTXVN)