Thứ Năm, 5/12/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 12/7/2016 21:31'(GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ: Phải giữ được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10%

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị sơ kết 6 tháng Bộ Công Thương. (Ảnh: Vietnam+)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị sơ kết 6 tháng Bộ Công Thương. (Ảnh: Vietnam+)

Tại "Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm năm 2016 ngành công thương," diễn ra chiều nay (12/6), ​Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ​đã chỉ ra những ​dấu hiệu đi xuống của một số ngành sản xuất, theo đó mức tăng chỉ số công nghiệp (IIP) sau 6 tháng ở mức 7,5% thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn tiếp diễn, đặc biệt Bộ Công Thương vẫn chưa quản lý tốt lĩnh vực đa cấp và phân bón giả đã gây nhiều bức xúc cho xã hội.

Trong khi đó, ​việc thực hiện chiến lược quy hoạch ​một số ngành của Bộ Công Thương thời gian qua vẫn ​chưa hiệu quả, như chiến lược phát triển ngành thép, chiến lược phát triển ngành ôtô, hoặc ngành cơ khí...

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết hoặc có hiệu lực nhưng công tác tuyên truyền hội nhập quốc tế thời gian qua còn chậm, việc tổ chức bên trong như thế nào để phát huy mặt mạnh vẫn chưa làm tốt, kể cả nhận thức và hành động của doanh nghiệp còn chậm.

Trước những yêu cầu đặt ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành công thương cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu, trong đó cần thay đổi cơ bản cách quản lý để xây dựng kinh tế thị trường.

"Việc nào thị trường làm tốt hơn thì để thị trường tự vận động, nhà nước chỉ tập trung vào những ​việc thị trường làm không tốt như tổ chức minh bạch, chống độc quyền. ​Quan trọng là phải giữ được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ít nhất là 10%," Thủ tướng lưu ý.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Sáu đạt 14,8 tỷ USD, tăng 3% so với tháng ​trước. Tính chung 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, các nhóm hàng nông sản và công nghiệp chế biến giữ được mức tăng lần lượt là 6% và 8,2% nhờ các mặt hàng càphê, rau quả, hạt tiêu, dệt may, da giày, máy móc linh kiện, điện tử… có kim ngạch tăng khá.

Nổi bật là sự phục hồi của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước, nếu như cùng kỳ năm ngoái khối này tăng trưởng âm thì sau 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của khối này đã đạt mức tăng trưởng 3,3% đã góp phần đưa xuất siêu của cả nước đạt 1,538 tỷ USD.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Do vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương đã đề ra một loạt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2016.

Theo đó, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài có trách nhiệm đẩy mạnh công tác thông tin thị trường kịp thời, chính xác; dự báo những thuận lợi và khó khăn trong xuất khẩu để doanh nghiệp chủ động kế hoạch.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất; tập trung thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại, phổ biến thông tin cho doanh nghiệp để tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ FTA… Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, bãi bỏ bớt điều kiện kinh doanh không cần thiết./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất