Trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, đến cuối năm 2016,
ngành thuế cần quyết liệt giảm tỉ lệ nợ đọng thuế để đạt mục tiêu chung
đã đề ra.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế tại hội nghị sơ kết 6 tháng ngành thuế tổ
chức ngày 8/7: Tính đến 31/5/2016, tổng số tiền thuế nợ 63 Cục Thuế đã
thu hồi được 20.052 tỷ đồng tiền thuế nợ của năm 2015 chuyển sang, tăng
17,9% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 37,7% chỉ tiêu thu nợ năm 2016. Có
36/63 địa phương thu đạt khá trên mức 42%, trong đó một số địa phương
thu đạt khá như: Kiên Giang 83%, Hà Tĩnh 80,1%, Thái Nguyên 78,3%, Sóc
Trăng 70,3%...
Tuy nhiên, tổng nợ đọng thuế vẫn duy trì ở ngưỡng 75.000 tỷ đồng,
không ít địa phương có số nợ thuế tăng trên 20% so với cuối năm ngoái.
So với dự toán thu ngân sách, nhiều tỉnh, thành phố cũng đang để tình
trạng nợ đọng thuế chiếm tới hơn 20% tổng thu.
Có khoảng 19 địa phương có tỉ lệ nợ đọng thuế cao hơn 7,5% thu ngân
sách và tổng số nợ thuế tăng trên 20% so với cuối năm 2015 (bất bình
thường) như: An Giang, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cao Bằng, Điện
Biên, Đà Nẵng... Hiện có 9 Cục Thuế có số nợ đọng thuế chiếm hơn 20%
nhiệm vụ thu ngân sách năm nay như: Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Phước, Cao
Bằng, Điện Biên... Riêng Thái Bình, tỉ lệ nợ thuế đã chiếm gần một nửa
(45%) dự toán thu ngân sách.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá, công tác thu hồi
nợ đọng có kết quả ban đầu, nhưng việc tỉ lệ nợ đọng thuế đang chiếm
khoảng 7,5% dự toán là tương đối cao. Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu
trong 6 tháng cuối năm, ngành thuế cần tăng cường kiểm tra nội bộ, thanh
kiểm tra việc nợ thuế của các Cục Thuế.
Để xử lý nợ đọng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị
ngành thuế phối hợp UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, phối hợp để nghiên
cứu cụ thể từng khoản nợ và công việc phải làm một cách cụ thể, phân
định trách nhiệm rõ ràng, có báo cáo, giám sát định kỳ./.
Theo Chinhphu.vn