Ngày 25/6, Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã diễn ra
tại Hưng Yên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng thường trực Trương
Hòa Bình; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng
Trung Hải.
Tới dự còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành
Trung ương và các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có diện tích tự nhiên gần 16.000km2
(chiếm 4,7% diện tích cả nước); quy mô dân số hơn 16 triệu người (chiếm
17% dân số cả nước).
Đây là vùng có hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ, thúc đẩy liên
kết các địa phương trong vùng với các tuyến giao thông huyết mạch như
Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Cầu Giẽ-Ninh Bình, Hà Nội-Thái Nguyên,
Hà Nội-Lào Cai, Hạ Long-Hải Phòng; đường hàng không trong nước và quốc
tế như các sân bay: Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn; các cảng biển quan trọng:
Cảng Quốc tế tại Lạch Huyện, cảng Cái Lân.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kinh tế Vùng
Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tăng trưởng nhanh, chiếm tỷ trọng cao trong 4
vùng kinh tế trọng điểm cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai
đoạn 2016-2018 đạt hơn 9%. Tổng GRDP của vùng đến năm 2018 chiếm tỉ
trọng khoảng 31,73% GRDP của cả nước và chiếm 35,52% GRDP của 4 vùng
kinh tế trọng điểm, đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam;
thu ngân sách chiếm trên 31%, xuất khẩu hàng năm chiếm trên 30%.
Trong đó, Hà Nội dẫn đầu toàn vùng, đóng góp 16,96% GRDP cả nước.
Một số địa phương có tỷ trọng khu vực dịch vụ lớn trong GRDP như Hà Nội chiếm 64%, cao nhất cả nước; Hải Phòng trên 44%.
Đến năm 2018, tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 3,7% trong cơ cấu kinh
tế vùng. Ngành công nghiệp-xây dựng tiếp tục là trụ cột tăng trưởng của
vùng và tập trung đều vào tất cả các địa phương, thu hút được nhiều dự
án đầu tư quy mô lớn, quan trọng tại một số tỉnh, thành phố như Bắc
Ninh, Hà Nội, Hải Phòng... trong đó chủ yếu là các ngành công nghiệp mũi
nhọn như điện, điện tử, lắp ráp ôtô, đóng tàu, dệt may, công nghiệp phụ
trợ.
Tổng vốn đầu tư phát triển của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai đoạn
2016-2018 đạt gần 1.600 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,76% vốn đầu tư cả nước,
tốc độ tăng bình quân 21,8%/năm, cao hơn mức bình quân trong giai đoạn
này của các vùng kinh tế trọng điểm và cả nước (khoảng 11,5%).
Các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội tiếp tục được cải thiện và chú trọng. Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước; tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp
vệ sinh cao nhất cả nước, đạt 99,7%, vượt mục tiêu đề ra.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Lãnh đạo các địa phương tập trung kiến nghị về liên kết vùng. Chủ tịch
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất 6 giải pháp
trọng tâm để Bắc Bộ trở thành vùng kinh tế dẫn đầu, tiên phong với đột
phá chiến lược. Trong đó, cần đặc biệt ưu tiên phát triển hiện đại hóa
mạng lưới giao thông vận tải, khu công nghiệp, cung cấp nước sạch, xử lý
chất thải, bảo vệ môi trường và nhà ở tại từng địa phương.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đề xuất Trung
ương hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hà Nội, Hưng Yên triển khai dự án xây
dựng đường Vành đai 3,5 và cầu vượt Ngọc Hồi.
Cho phép thi công giai đoạn 2 dự án đường nối cao tốc Hà Nội-Hải
Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình từ nguồn vốn dư của dự án cầu Hưng
Hà, do đường mới thông xe có 6 tháng, nhưng mật độ xe đã vượt thiết kế 5
lần.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn
thành tuyến đường sắt Hà Nội-Cái Lân để đưa vào khai thác đồng bộ, phát
huy hiệu quả đầu tư, bổ sung đường sắt tốc độ cao Hà Nội-Hải Phòng-Quảng
Ninh.
Cũng tại Hội nghị, ý kiến các thành viên Chính phủ, các địa phương đã
thảo luận, đánh giá về hàng loạt vấn đề lớn như tình hình kinh tế-xã hội
của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh, thành phố trong vùng;
thực trạng và giải pháp chiến lược phát triển thu hút đầu tư; các vấn đề
về môi trường đầu tư, kinh doanh và hạ tầng đô thị, giao thông, phát
triển logistics, nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học, công
nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển dịch vụ du lịch... qua đó khai thác
tiềm năng lợi thế để phát triển vùng theo hướng bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Vùng kinh
tế trọng điểm Bắc Bộ (Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ) nằm trong tam giác
phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, là vùng chiến lược đặc biệt quan
trọng về chính trị, kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, là vùng kinh tế
lớn thứ 2 cả nước.
Đây là vùng duy nhất có tất cả địa phương đều điều tiết về ngân sách
Trung ương. Vùng có gần 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ hộ
nghèo thấp nhất cả nước, chỉ còn 2% theo chuẩn đa chiều hiện nay.
Thủ tướng nhận định, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có nhiều thuận
lợi hơn hẳn so với vùng khác, nhất là kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực;
nhân tố "thiên thời-địa lợi-nhân hòa" rất rõ ràng; các tỉnh, thành phố
trong vùng có trình độ phát triển cao so với trung bình cả nước.
Thủ tướng mong muốn, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cần nhận thức
được vai trò, vị trí này để phấn đấu đạt được kết quả rõ nét hơn nữa với
quy mô cao hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.
Thủ tướng đề nghị các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp
trọng tâm để phát triển cả vùng và từng địa phương mạnh mẽ hơn; đồng
thời đổi mới cơ chế chính sách về đầu tư, tài chính, đất đai, nhân lực,
phân cấp, giao quyền để tạo thuận lợi cho các địa phương, phát triển sản
phẩm giá trị gia tăng cao.
Các địa phương cần quan tâm đổi mới thể chế, cơ chế điều phối vùng,
đây là vấn đề quan trọng nhưng chưa thực hiện hiệu quả. "Chúng ta không
có chính quyền vùng, cấp ủy liên vùng nhưng cần có cơ chế điều phối để
các địa phương trong vùng đều phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đã chỉ ra những hạn chế yếu kém với tinh thần "nói bất
cập, tồn tại nhiều hơn để thấy mình đang ở đâu, để sửa chữa". Thủ tướng
cho rằng, khu vực dịch vụ hiện đang là lợi thế nhưng tốc độ tăng trưởng
chưa cao, chưa bền vững; tỉ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của vùng
có xu hướng giảm (từ gần 51% năm 2016 xuống còn khoảng 47% năm 2018).
Sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ vẫn là phổ biến.
Vấn đề liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh còn yếu; trình
độ canh tác, công nghệ sơ chế, chế biến còn lạc hậu… Tình trạng ô nhiễm
môi trường ở đô thị, nông thôn, lưu vực sông, làng nghề, cụm công
nghiệp… rất phức tạp. Việc di dân vào Hà Nội đã gây quá tải kết cấu hạ
tầng.
Khu vực công nghiệp chủ yếu phát triển chiều rộng, đóng góp của khoa học
kỹ thuật, năng suất các yếu tố tổng hợp còn hạn chế. Một số địa phương
vẫn tập trung vào khai thác tài nguyên, gia công. Các ngành công nghiệp
công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, logistics, dịch vụ cao cấp phát triển
chưa tương xứng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan khu vực trưng bày sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. (Ảnh: TTXVN)
Việc gắn kết giữa các dự án FDI và doanh nghiệp trong nước tham gia
có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chưa có tính chất
lan tỏa. Phần lớn các dự án FDI thường tập trung vào các lĩnh vực, các
ngành có nhiều ưu đãi đầu tư, nhân công giá rẻ. Các dự án công nghiệp
tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh (Samsung, LG,
Microsoft, Canon...) và mới dừng lại ở gia công lắp ráp, giá trị gia
tăng thấp.
Về định hướng phát triển thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, phải
tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò của vùng là trung tâm
chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; phấn đấu
cùng với vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ là một trong hai đầu tàu, trung
tâm kinh tế lớn nhất và phát triển năng động của cả nước.
Về định hướng phát triển và xác định ngành nghề trụ cột ưu tiên, quy
hoạch phân bổ không gian phù hợp hơn. Danh mục dự án hạ tầng liên kết vùng,
cả nội vùng và kết cấu ngoại vùng cần làm rõ hơn; cần có thể chế liên
kết vùng, cơ chế phối hợp vùng; liên kết trong các lĩnh vực công nghiệp,
nông nghiệp, dịch vụ rõ nét hơn.
Mục tiêu phát triển của vùng phải là đi đầu về khoa học công nghệ,
đổi mới sáng tạo, đi đầu trong 3 đột phá chiến lược và đặc biệt là cơ
cấu lại nền kinh tế trên tinh thần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ
môi trường.
Quan tâm phát triển đô thị là một động lực tăng trưởng, đồng thời
tiếp tục xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải
cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chống
tham nhũng, lãng phí; không chỉ lo vấn đề kinh tế mà cần quan tâm đến cả
vấn đề xã hội, an toàn cho người dân.
Về thể chế điều hành và mô hình vùng, Thủ tướng cho biết, sẽ giao Bộ
Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan, đề xuất mô hình
cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.
(TTXVN)