Chiều 14/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp
đoàn Hội đồng kinh doanh EU - ASEAN và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại
Việt Nam (EuroCham) để trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế,
thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Tại buổi tiếp, các đại biểu bày tỏ vui mừng khi EU đã trở thành đối
tác thương mại lớn thứ 5, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam
còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Đặc
biệt, Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là động lực quan trọng giúp thương mại hai chiều giữa Việt Nam
và EU liên tục tăng, năm 2022, kim ngạch thương mại đạt 62,4 tỷ USD,
tăng 9,8% so với năm 2021.
Các đại biểu tin tưởng rằng hợp tác thương mại-đầu tư giữa hai bên có
nhiều dư địa để khai thác sau khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) có
hiệu lực. Hiện có 12/27 nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau
hơn 36 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đến
hết năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam ước đạt 409 tỷ USD, thu nhập
bình quân đầu người khoảng 4.100 USD; quy mô thương mại thuộc nhóm 30
nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60
nước, vùng lãnh thổ, trong đó có EU và ngày càng đa dạng hóa thị
trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Trong năm 2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm
soát, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng GDP 2022 đạt trên 8%;
kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 732 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất
siêu trên 11 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất
trong 5 năm qua. Đến nay, Việt Nam có sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ
142 quốc gia, vùng lãnh thổ, với hơn 36.400 dự án, tổng vốn đăng ký đạt
hơn 440 tỷ USD.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế
đang chuyển đổi, trải qua nhiều năm chiến tranh, còn rất nhiều khó khăn
nên trong quá trình hợp tác, hai bên cần chân thành, kiên trì lắng nghe,
trao đổi, tìm ra các giải pháp để xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo
môi trường thông thoáng, thân thiện, trách nhiệm với nhau để làm tốt hơn
nữa trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "đã nói là làm,
đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả".
Ông Jens Ruebbert, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hội đồng doanh
nghiệp EU - ASEAN, cho biết tham gia đoàn có hơn 50 lãnh đạo các doanh
nghiệp lớn. Đây là đoàn công tác đầu tiên trong năm 2023 của Hội đồng
doanh nghiệp EU - ASEAN, cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam.
Ông chúc mừng những thành tựu của Việt Nam thời gian qua trong kiểm
soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đưa Việt Nam trở
thành một hiện tượng trên thế giới, một điểm đến hấp dẫn với các doanh
nghiệp. Việt Nam đang và sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa với EU về
thương mại và đầu tư, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến
động hiện nay.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng vào
những thành tựu, kết quả mới trong triển khai Hiệp định EVFTA thời gian
tới và khẳng định các doanh nghiệp sẽ tích cực thúc đẩy việc thông qua
Hiệp định EVIPA.
Ông Jens Ruebbert và ông Alain Cany nêu một số câu hỏi và kiến nghị
liên quan tới chính sách cho điện gió ngoài khơi; quy hoạch không gian
biển quốc gia; quy hoạch phát triển điện VIII; lộ trình cải cách lĩnh
vực y tế và danh sách thuốc thuộc danh mục bảo hiểm chi trả; gia hạn
giấy phép lao động cho người nước ngoài...
Sau khi lắng nghe các ý kiến và phần trả lời của các bộ, ngành, Thủ
tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác
và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU cũng như quan hệ với các nước thành
viên; luôn ủng hộ tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác
chiến lược ASEAN - EU.
Thủ tướng cảm ơn các ý kiến tại cuộc gặp mặt thể hiện trách nhiệm, sự
chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ của các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư
trong suốt những năm qua với Việt Nam, nhất là trong giai đoạn dịch
COVID-19; điều này khiến các cơ quan Việt Nam càng thấy trách nhiệm của
mình trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn để hai bên tiếp tục
hợp tác trên tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã
thực hiện là phải có kết quả".
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam kiên định chính sách đối
ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, là
bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng
đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đôi với
tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu
quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực
là quan trọng, đột phá.
Theo Thủ tướng, Việt Nam ưu tiên tập trung thực hiện 3 đột phá chiến
lược (hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân
lực; xây dựng kết cấu hạ tầng). Riêng năm 2022, Chính phủ tổ chức 9 cuộc
họp chuyên đề về thể chế; trình Quốc hội thông qua 12 dự án luật, 6
nghị quyết; ban hành 131 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành 29
quyết định, các bộ, ngành đã ban hành khoảng 403 thông tư.
Việt Nam cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình
tăng trưởng, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng
khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên các động lực
tăng trưởng bền vững như kinh tế số, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh,
kinh tế tuần hoàn, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái;
thực hiện có trách nhiệm các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một
hợp phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam luôn
bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; tôn trọng,
khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện để khu vực này phát triển lâu dài,
hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Việt Nam sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các thị
trường bất động sản, vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, lao
động… để các thị trường này phát triển đúng bản chất, lành mạnh, an
toàn, bền vững, hội nhập.
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp EU tiếp tục đồng hành
cùng Việt Nam trong triển khai 3 khâu đột phá chiến lược, thúc đẩy 3
động lực phát triển (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); hỗ trợ Việt Nam tiếp
cận các nguồn đầu tư tài chính xanh và công nghệ cao, phục vụ nhu cầu
phát triển bền vững trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi
xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển cơ sở hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng
và hạ tầng mềm), đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đa
dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng...
Để triển khai hiệu quả quan hệ hợp tác Việt Nam - EU cũng như ASEAN - EU
trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Việt Nam - EU cùng nỗ
lực triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA; có tiếng nói tích cực vận động
các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư
(EVIPA) và EU xem xét tích cực, sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu
thủy sản của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: TTXVN)
Làm rõ thêm các nội dung mà doanh nghiệp quan tâm, Thủ tướng cho biết
vừa qua, Quốc hội đã thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia và các cơ
quan sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, đây là cơ sở để các
nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới.
Về các kiến nghị trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng cho biết các cơ quan
đang tích cực sửa đổi các luật, nghị định, thông tư trên tinh thần phân
cấp, phân quyền mạnh hơn và tăng cường lấy ý kiến người dân, doanh
nghiệp, các đối tượng tác động…
Về lộ trình phát triển bền vững liên quan tới phát triển điện gió,
quy hoạch điện VIII, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam có thế mạnh về điện gió,
điện mặt trời, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng
xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và quyết tâm thực hiện các cam
kết về ứng phó biến đổi khí hậu.
Các cơ quan chức năng đang tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính
sách, quy hoạch liên quan tới phát triển điện trên cơ sở xem xét tổng
thể 5 yếu tố: nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện, giá
điện phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và thu nhập của
người dân, trong đó tìm giải pháp phù hợp về giá với các dự án điện gió
đã triển khai, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người
dân để hợp tác bền vững, hiệu quả.
Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam có tiềm năng, dư địa rất lớn để phát
triển kinh tế biển. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW năm
2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các cơ quan đang tích cực xây dựng Quy
hoạch không gian biển quốc gia trình cấp có thẩm quyền, trên cơ sở đó sẽ
xác định các lĩnh vực, ngành mũi nhọn phát triển với chính sách ưu tiên
phù hợp…
Về vấn đề cấp phép lao động, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp trước
mắt thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Các cơ quan mong tiếp
tục nhận được ý kiến góp ý về các khó khăn, vướng mắc và đang tích cực
tiếp tục xem xét sửa đổi các quy định trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số,
cải cách, cắt giảm thủ tục theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà
nước, vừa thuận tiện nhất có thể, giảm thời gian và chi phí, bảo đảm lợi
ích của các bên./.
TTXVN