Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam dự Hội nghị BRICS và là lần đầu
tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nga trên cương vị mới, thể hiện vai
trò và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trước các cơ chế đa phương;
thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên bang
Nga và các nước.
5 KẾT NỐI VÌ HÒA BÌNH VÀ THỊNH VƯỢNG
Hội nghị BRICS và BRICS mở rộng có lãnh đạo 36 quốc gia, vùng lãnh
thổ và 6 tổ chức quốc tế tham dự, trong đó có 22 đoàn có đại diện ở cấp
cao nhất, cấp nguyên thủ quốc gia. Cùng với Hội nghị BRICS và BRICS mở
rộng, tại Kazan dịp này có hàng chục sự kiện liên quan khác được tổ
chức, khiến thành phố Kazan xinh đẹp và yên bình trở nên bận rộn.
Trong vỏn vẹn gần 40 giờ kể từ lúc đặt chân đến và rời thành phố
Kazan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có lịch trình công tác dày
đặc, với 25 hoạt động khác nhau, kết thúc chuyến công tác bởi cuộc hội
đàm rất thành công với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đêm 24/10.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dự hội nghị BRICS,
thể hiện đề cao tinh thần hợp tác; trách nhiệm, vai trò, vị thế của Việt
Nam đối với các vấn đề toàn cầu. Trong phát biểu tại Hội nghị BRICS mở
rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về cách tiếp cận toàn cầu,
toàn dân, toàn diện và đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, xây
dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, chia sẻ chung trách nhiệm
để giải quyết thách thức chung chưa từng có.
Để cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, hợp tác vì hòa bình và
thịnh vượng, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất 5 kết nối chiến lược bao
gồm: kết nối nguồn lực, kết nối hạ tầng chiến lược, kết nối các chuỗi
cung ứng, kết nối con người với con người; và kết nối trong cải cách các
cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng chia sẻ, cân bằng, bình đẳng, hiệu
quả, bao trùm, toàn diện để phát triển nhanh và bền vững.
Trong bài viết đăng trên báo Orientalia Rossica, Tiến sỹ Alexander
Korolev, Trường Kinh tế cao cấp Nga cho rằng, việc Thủ tướng Phạm Minh
Chính tham dự Hội nghị BRICS mở rộng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của
Việt Nam trước tiến trình phát triển của BRICS, đánh giá cao vai trò,
ảnh hưởng ngày càng tăng của BRICS trong giải quyết các vấn đề và thách
thức toàn cầu. Đồng thời, điều này cho thấy sự coi trọng của Việt Nam
đối với các cơ chế hợp tác đa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng. (Ảnh: TTXVN)
Ngoài tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị BRICS, Thủ tướng
Phạm Minh Chính có các cuộc tiếp xúc song phương với hơn 30 trưởng
đoàn, lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tham dự hội nghị như: Tổng Bí
thư, Chủ tịch Trung Quốc; Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào; Tổng thống
Venezuela; Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ; Tổng thống Turkmenistan; Tổng thống
Belarus; Tổng thống Uzbekistan; Tổng Thư ký Liên hợp quốc; Chủ tịch Hội
đồng Ủy ban Kinh tế Á - Âu…
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết,
tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc
tế, phía bạn đã đánh giá rất cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội,
bảo đảm quốc phòng, an ninh và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên
trường quốc tế; khẳng định sự coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa
quan hệ mọi mặt với Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo của các nước, tổ chức quốc tế
nhất trí sẽ ưu tiên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, tăng cường hợp tác
về kinh tế, thương mại, đầu tư và khẳng định quyết tâm cùng nhau mở
rộng hợp tác trên các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, giáo dục đào
tạo, lao động, khoa học công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân và các
lĩnh vực hợp tác mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần
hoàn và kinh tế tri thức…
GẮN BÓ HƠN QUA NHỮNG THĂNG TRẦM
Trong lần đầu tiên tới nước Nga trên cương vị mới, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính có các cuộc hội đàm, tiếp lãnh đạo, cùng nhiều bộ
trưởng và các tập đoàn lớn của Nga. Đặc biệt Thủ tướng Phạm Minh Chính
có cuộc hội đàm rất thành công với Tổng thống Nga Vladimir vào nửa đêm
24/10 rạng sáng 25/10.
Tại các cuộc tiếp xúc, hai hai bên đã trao đổi
nhiều nội dung hợp tác sâu rộng, thực chất, nhằm tiếp tục làm sâu sắc
hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga và
hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào
năm 2025.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn,
lãnh đạo cấp cao hai nước đã tái khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền
thống lâu đời, son sắt đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước
dày công vun đắp, là nền tảng quan trọng giúp quan hệ đối tác chiến lược
toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngày
càng đi vào chiều sâu, bền vững, vì lợi ích của nhân dân hai nước và
đóng góp vào hòa bình, hợp tác phát triển khu vực và trên thế giới.
Hai bên nhất trí phát triển quan hệ song phương trên các lĩnh vực về
chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, đổi mới
sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giáo dục đào tạo, văn hóa, du
lịch…
Trong đó, hai bên thông qua kế hoạch hợp tác đến năm 2030; nhất trí
nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương; khai thác tối đa
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu; tiếp tục
triển khai hiệu quả các dự án quan trọng đẩy mạnh hợp tác về đầu tư,
nhất là về cơ sở hạ tầng, năng lượng… Liên bang Nga sẽ duy trì cung cấp
1.000 học bổng cho sinh viên Việt Nam học tập tại Nga.
Đúng như Thủ tướng Chính phủ khẳng định khi gặp gỡ cộng đồng người
Việt Nam tại Nga “quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga xuyên suốt,
bao trùm, toàn diện, tổng thể, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực. Qua
những thăng trầm của lịch sử, tinh thần đoàn kết giữa 2 dân tộc luôn
được bảo tồn, phát huy trong bất cứ hoàn cảnh nào, là di sản được các
thế hệ lãnh đạo, người dân hai nước tạo dựng và vun đắp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024. (Ảnh: TTXVN)
Thông qua chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội
nghị BRICS mở rộng, Việt Nam thể hiện được vai trò và đóng góp trách
nhiệm tại các cơ chế đa phương; tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa
quan hệ hợp tác giữ Việt Nam với Liên bang Nga và các nước; triển khai
hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII;
tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa
phương hóa; làm gia tăng độ tin cậy, đưa các mối quan hệ đi vào chiều
sâu, thiết thực, hiệu quả vì hoà bình, hợp tác, phát triển của mỗi nước,
trong khu vực và quốc tế./.
TTXVN