Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Merkel bày tỏ quan ngại về hành động của
Ankara đối với những người được cho ủng hộ âm mưu đảo chính, trong đó
làn sóng bắt bớ và sa thải đã dẫn tới "sự quan ngại sâu sắc."
Theo thông báo mới nhất của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, đã có trên 7.500
người bị bắt và 9.000 người bị sa thải khỏi các cơ quan công quyền sau
vụ đảo chính.
Thủ tướng Merkel kêu gọi Tổng thống Erdogan có phản ứng "trên nguyên tắc
nhà nước pháp quyền và phù hợp". Nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh việc
tái áp đặt án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ và mục tiêu trở thành thành viên Liên
minh châu Âu (EU) là "không thể đi cùng nhau."
Những phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính cũng đã vấp phải sự chỉ
trích của công đồng quốc tế. EU đã bày tỏ lo ngại trước việc hơn 3.000
thẩm phán và công tố viên đã bị bắt giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài EU và NATO, Liên hợp quốc cũng lên tiếng kêu gọi Ankara phải tôn trọng trật tự hiến pháp.
Trong khi đó, bất chấp những chỉ trích và cảnh báo, Tổng thống Erdogan vẫn sẵn sàng áp đặt trở lại án tử hình ở nước này.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên với kênh truyền hình CNN sau vụ
đảo chính, Tổng thống Erdogan cho biết ông sẵn sàng phê chuẩn mọi quyết
định của Quốc hội nếu các nghị sỹ sẵn sàng thảo luận về việc áp dụng lại
án tử hình./.
Theo TTXVN