Sáng nay 7-2 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tham tán thương mại năm 2018 do Bộ Công thương tổ chức.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2017 có nhiều thử thách nhưng cũng đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của ngành công thương trong quá trình đổi mới và tái cơ cấu ngành. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mức 200 tỷ USD, tăng trưởng 21% so với năm 2016, thặng dư thương mại 2,67 tỷ USD.
Hội nghị tham tán thương mại năm 2018 được tổ chức nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại cũng như đánh giá vai trò của công tác thương vụ và các tham tán thương mại.
Hội nghị lần này có sự tham dự của các tham tán thương mại tại 63 khu vực thị trường và các bộ ngành liên quan, các hiệp hội ngành hàng cùng đội ngũ các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty trên cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích mà Bộ Công thương đã đạt được trong năm 2017 cũng như vai trò của các tham tán thương mại.
Theo Thủ tướng, vấn đề khó nhất trong sản xuất ở nước ta hiện nay là thị trường. Chúng ta không lo về sản xuất, có những sản phẩm đã dư thừa. Vì vậy phải tìm thị trường mới để xuất khẩu. Và thương vụ phải làm nhiệm vụ quan trọng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị sáng nay 7-2-2018
Đánh giá cao nỗ lực của các tham tán thương mại cũng như công tác thương vụ trong năm 2017 trong việc tìm kiếm những thị trường mới cho các sản phẩm tiềm năng của nước ta như tôm, xoài, vải, nhãn, thanh long, hàng dệt may... Nhưng bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc nhở những yếu kém và hạn chế trong công tác thương vụ hiện nay.
Theo Thủ tướng, vẫn có tình trạng anh em chỉ lo việc nhà hơn việc nước, năng lực yếu, ngại khó ngại khổ. Tâm lý ngồi chờ vẫn còn trong các tham tán thương mại ở Việt Nam.
Thủ tướng đã kể câu chuyện về các tấm gương tham tán thương mại, các đại sứ rất nhiệt tình, tích cực và trách nhiệm trên thế giới khi chủ động tháo gỡ các khó khăn về thị trường cho hàng hoá, tìm hiểu sâu về văn hóa của nước sở tại, làm tốt công việc được giao.
Dẫn ví dụ Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam còn biết gói cả bánh chưng, Thủ tướng hỏi các tham tán Việt Nam: “Ở đây các đồng chí có biết gói bánh chưng không?”
Thủ tướng yêu cầu các tham tán thương mại Việt Nam cần phải nhiệt tình và trách nhiệm hơn trong việc tìm kiếm thị trường. Cần tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”. Đề nghị có biện pháp nghiêm, thuyên chuyển những tham tán không làm tròn trách nhiệm.
Thủ tướng nhấn mạnh: Ngoại giao kinh tế là rất quan trọng để tìm thị trường. Cân bằng thương mại, hai bên cùng có lợi khi hội nhập là mục tiêu của Chính phủ.
Đề cập những mục tiêu nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu thay đổi nhận thức, Chính phủ hành động thì thương vụ cũng phải phục vụ doanh nghiệp và người dân. Thúc đẩy xúc tiến thương mại, kết nối và tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhiệm vụ của các tham tán thương mại còn là kết nối kịp thời với các bộ ngành ở nước sở tại để xử lý các sự cố, vướng mắc phát sinh trong xuất nhập khẩu.
Công tác thương vụ phải tìm và chọn cơ hội thị trường, cần hiểu theo nghĩa rộng là mang lại nguồn lợi cho đất nước như vốn, công nghệ, thu hút đầu tư... chứ không chỉ có hàng hoá. Phản ánh và thông tin kịp thời để điều chỉnh chính sách thương mại. Thủ tướng cũng yêu cầu vượt qua tư tưởng nhiệm kỳ đối với các tham tán thương mại.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhắc nhở, để hoạt động thương mại thực sự hiệu quả thì phải nâng cao chất lượng sản phẩm, không thể tiền hậu bất nhất, ví dụ như tình trạng tôm bơm tạp chất là không thể chấp nhận được. Chất lượng, sản lượng và thương hiệu có tốt thì tham tán thương mại mới có thể mạnh miệng khi tiếp thị ra thị trường thế giới.
VĂN PHÚC/SGGP