Thứ Ba, 19/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 15/6/2009 21:48'(GMT+7)

Thủ tướng Israel ủng hộ lập Nhà nước Palestine

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại Trường đại học Bar-Ilan ở Ramat Gan, gần Tel Aviv, ngày 14/6. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại Trường đại học Bar-Ilan ở Ramat Gan, gần Tel Aviv, ngày 14/6. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trong bài diễn văn đọc ngày 14/6, ông Netanyahu yêu cầu Palestine công nhận Israel là quốc gia của người Do thái. Ông nói: "Nếu chúng ta được đảm bảo rằng Palestine sẽ phi quân sự hóa và công nhận Israel là quốc gia của người Do Thái, khi đó chúng ta sẽ đạt được một giải pháp dựa trên cơ sở một Nhà nước Palestine không vũ trang tồn tại bên cạnh Israel. Palestine và Israel sẽ có quốc kỳ và quốc ca riêng. Vùng lãnh thổ Palestine sẽ không có vũ trang và không kiểm soát không lưu".

Ông Netanyahu cũng bác bỏ việc chấm dứt hoàn toàn hoạt động định cư của người Do Thái tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng, điều mà đồng minh then chốt Mỹ yêu cầu. Ông cũng nhắc lại quan điểm rằng "vấn đề người tị nạn Palestine cần phải được giải quyết bên ngoài các đường biên giới Israel và sự hồi hương của họ vi phạm nguyên tắc Israel là một Nhà nước Do Thái".

Trước đó, năm 1993, trong khuôn khổ Hiệp định hòa bình Oslo, Palestine công nhận Israel là một nhà nước song từ chối công nhận Israel là nhà nước của người Do thái, vì động thái này có nghĩa là chính quyền Palestine từ bỏ quyền hồi hương của người tị nạn Palestine, trong khi đây là một yêu cầu chủ chốt của Palestine.

Sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đọc bài diễn văn về chính sách Trung Đông, trong đó tán thành việc thành lập Nhà nước Palestine nhưng "phi quân sự", dư luận Israel và thế giới đã có nhiều phản ứng trái ngược nhau.

Tại Israel, nghị sĩ Danny Danon của Đảng Likud và các tổ chức cánh hữu tuyên bố coi việc thành lập Nhà nước Palestine là mối đe dọa đối với Israel và "thề" sẽ làm mọi cách để ngăn cản. Trong khi đó, ông Daniel Ben Simon, một nghị sĩ của Công đảng tham gia liên minh cầm quyền, đã mô tả bài diễn văn của ông Netanyahu là "mang tính cách mạng". Theo ông Simon, các đảng trung dung ở Israel nên khuyến khích quan điểm này.

Chính quyền Palestine và các phe phái chính trị khác tại vùng lãnh thổ này đã bác bỏ bài diễn văn của ông Netanyahu, đồng thời kêu gọi người dân Palestine tăng cường đoàn kết để đương đầu thách thức. Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudeina nói: "Diễn văn của Thủ tướng Israel đã làm tê liệt tất cả các sáng kiến hòa bình trong khu vực".

Nhà đàm phán hàng đầu của Palestine Saeb Erekat kêu gọi các nước Arập không tiến tới bất kỳ sự bình thường hóa về chính trị nào với Israel trước khi Israel chứng tỏ được một cam kết rõ ràng tiếp sau Sáng kiến Hòa bình Arập, đồng thời chấm dứt hành động chiếm đóng quân sự đối với các vùng lãnh thổ Palestine từ sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967.

Tại thành phố Gaza, phong trào Hồi giáo Hamas tố cáo bài diễn văn của Thủ tướng Netanyahu "phản ánh tư tưởng phân biệt chủng tộc, cực đoan và bác bỏ tất cả các quyền của người Palestine". Thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Jihad Nafez Azzam đã kêu gọi người Palestine "đoàn kết để bảo vệ quyền hợp pháp của người Palestine và đối phó với sự cuồng tín của Israel".

Trong khi đó, phương Tây lại tỏ ra ủng hộ ông Netanyahu. Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama coi việc ông Netanyahu tán thành giải pháp hai nhà nước là một bước tiến quan trọng và bày tỏ sự "hoan nghênh" đối với quan điểm này. Tuyên bố của Nhà Trắng cũng tái khẳng định cam kết của Tổng thống Obama đối với giải pháp hai nhà nước, một Nhà nước Do Thái của người Israel và một Nhà nước Palestine độc lập "tồn tại trên mảnh đất lịch sử của người dân cả hai bên".

Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner hoan nghênh bài diễn văn của ông Netanyahu, coi đó là "một bước tiến lớn" về quan điểm. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp cũng kêu gọi Israel đình chỉ hoạt động định cư người Do thái và trở lại đàm phán hòa bình với Palestine, một tiến trình mà theo ông cần có những thay đổi cơ bản và cần những biện pháp xây dựng lòng tin của cả hai bên.

Giới phân tích đánh giá bài diễn văn của Thủ tướng Israel là câu trả lời cho bài diễn văn kêu gọi hòa giải với thế giới Hồi giáo của Tổng thống Mỹ Obama đọc cách đây 10 ngày trong chuyến thăm Trung Đông. Theo họ, lập trường của ông Obama đã đặt ông Netanyahu vào một tình huống khó khăn, đó là nguy cơ sụp đổ của chính phủ cánh hữu mới được thành lập nếu như ông Netanyahu nhượng bộ quá nhiều những yêu cầu của Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Israel hiện nay./.

TG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất