Tại
buổi làm việc, bên cạnh báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo,
thủy sản 6 tháng đầu năm 2013, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã tập
trung vào các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa, thủy sản của
vùng.
Theo đó, về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao
hiệu quả sản xuất lúa gạo, Bộ NNPTNT đề xuất trước mắt thực hiện tốt
chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo; tăng cung cấp tín dụng cho
nông dân trồng lúa để tiếp tục đầu tư cho sản xuất. Các tỉnh đồng bằng
sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ đạo chặt chẽ về cơ cấu giống, giảm tỷ trọng
giống IR 50404 và các giống lúa chất lượng thấp khác xuống dưới 20% ngay
từ vụ Thu-Đông 2013.
Các địa phương và các khu vực không bị ngập lũ chuyển
một phần diện tích sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn (ngô, rau,
đậu,...). Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gắn với xây dựng cánh
đồng mẫu lớn để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm; khuyến khích các
doanh nghiệp tham gia bao tiêu cho nông dân làm cánh đồng lớn.
Đối với giải pháp lâu dài, các địa phương rà soát lại
quy hoạch sản xuất lúa, xác định cơ cấu cây trồng, mùa vụ, từng vùng
đất, phù hợp với thị trường, điều kiện canh tác. Cơ cấu mùa vụ phải đảm
bảo an toàn trước thiên tai (xâm nhập mặn, lũ, hạn hán...). Chuyển mạnh
theo hướng đa dạng hóa cây trồng, phát triển cây màu, rau, đậu, cây ăn
quả có thị trường, hiệu quả hơn.
Đối với cá tra, tôm ước lợ, lãnh đạo Bộ NNPTNT nhấn
mạnh các giải pháp tháo gỡ rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật; tăng
cường xúc tiến thương mại, củng cố và phát triển thị trường truyền
thống, các thị trường lớn và phát triển mở rộng các thị trường mới; ưu
tiên đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tại các vùng
sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng
thuốc bảo vệ thực vật trong vùng nuôi trồng thủy sản; xây dựng mạng lưới
quan trắc cảnh báo dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản;...
Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng kiến nghị Chính phủ tăng đầu tư cho nghiên cứu và khuyến nông đối với lúa, cá tra và tôm ở vùng ĐBSCL.
Nguyễn Hoàng - Nhật Bắc/Chinhphu.vn