Các diễn giả kêu gọi cần đẩy mạnh quảng bá để giúp người dân hiểu thêm
về AEC, về ASEAN; tăng cường hơn nữa công tác dạy nghề, đào tạo chuyên
môn, ngoại ngữ, và quản lý để giúp Lào thu hái được nhiều lợi ích và
giảm thiểu các tác động xấu khi gia nhập AEC.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, trong ngày 19 và 20/11, tại thủ đô
Vientiane, Viện Khoa học và Xã hội Lào đã tổ chức Hội thảo khoa học với
chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Sự sẵn sàng và những thách thức đối với
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.”
Tại hội thảo trên, 15 tham luận của các học giả nêu rõ về những nỗ lực
của Lào để chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nêu
bật những cơ hội Lào sẽ thu được khi hội nhập vào Cộng đồng này, nhất
là trong các lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực, lao động có tay nghề
cao, khả năng về quản lý kinh tế, quản lý lao động, quản lý đầu tư, quản
lý xuất nhập cảnh.
Lào khẳng định nếu học được và triển khai tốt những kinh nghiệm này sẽ
rất có lợi cho sự phát triển của đất nước, giúp Lào giải quyết tình
trạng đói nghèo và phát triển kinh tế xã hội, bắt kịp với các nước thành
viên khác ASEAN.
Các tham luận cũng nêu bật lên những thách thức mà Lào đang phải đối mặt
khi tham gia AEC vào cuối năm nay, đặc biệt là khi lao động Lào vừa
thiếu vừa yếu, đa phần là lao động phổ thông, lao động có tay cao nghề
còn ít, trình độ ngoại ngữ cũng như kinh nghiệm làm việc trong môi
trường quốc tế còn yếu.
Các diễn giả kêu gọi cần đẩy mạnh quảng bá để giúp người dân hiểu thêm
về AEC, về ASEAN; tăng cường hơn nữa công tác dạy nghề, đào tạo chuyên
môn, ngoại ngữ, và quản lý để giúp Lào thu hái được nhiều lợi ích và
giảm thiểu các tác động xấu khi gia nhập AEC.
Bên cạnh đó, chênh lệch về mặt trình độ phát triển giữa các nước ASEAN
cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm, đặc biệt là giữa ASEAN 4 và
ASEAN 6 về trình độ phát triển.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông
Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nhận xét ASEAN trở thành hai khối
gồm một khối rất phát triển và một khối chưa phát triển, riêng khối
ASEAN 4 là mức chênh lệch lớn, đồng thời cho rằng đây là những thách
thức và làm thế nào để rút khoảng cách phát triển này thì cần một thời
gian dài.
Thông qua việc tổ chức hội thảo này, qua cách phân công công việc rõ
ràng và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành, có thể nói Lào đã nhận
thức rất rõ về những cơ hội và thách thức và đang nỗ lực phát huy thế
mạnh, khắc phục điểm yếu nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự ra đời của
Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay./.
(TTXVN)