Thứ Ba, 1/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 20/10/2008 16:32'(GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên đường thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị cấp cao ASEM 7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 và các Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc tại Singapore tháng 11/2007

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 và các Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc tại Singapore tháng 11/2007

Tháp tùng Thủ tướng, bên cạnh các quan chức cấp cao Chính phủ Việt Nam còn có đại diện hàng chục doanh nghiệp lớn trong nước với mục đích trao đổi hợp tác thương mại, đầu tư với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam với Trung Quốc có những bước phát triển rất quan trọng, đặc biệt nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (5/2008), hai bên nhất trí phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hai nước duy trì truyền thống tốt đẹp tiếp xúc mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Trung Quốc đón tiếp trọng thị Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang dự Lễ Khai mạc Olympic (8/2008). Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì (tháng 4/2008), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương (9/2008) đã thăm Việt Nam.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư - Thương mại ASEAN - Trung Quốc ở Nam Ninh tháng 10/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Trung Quốc sẽ có những bước phát triển mới. Thật quả như vậy, thời gian qua, hợp tác kinh tế hai nước phát triển mạnh, 7 tháng đầu năm 2008, kim ngạch thương mại song phương đạt 12,67 tỷ USD, dự kiến cả năm 2008 đạt khoảng 21 tỷ USD. Hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác các dự án lớn, nhất là trong khuôn khổ thỏa thuận Hai hành lang một vành đai kinh tế. Giao lưu hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ hơn. Hai nước cũng tích cực hợp tác và phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp quốc, APEC, Trung Quốc - ASEAN. Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới lãnh thổ có nhiều tiến triển tích cực. Về cơ bản, hai nước đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đất liền. Đồng thời, hai bên tiếp tục thực hiện tốt Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ.

Trên tinh thần này, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu sẽ tiếp tục củng cố quan hệ tin cậy giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường hữu nghị, mở rộng hợp tác Việt Nam - Trung Quốc thêm bước phát triển mới.

Hội nghị cấp cao ASEM 7 tại Bắc Kinh lần này, diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới ở vào thời kỳ khó khăn nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính, tiền tệ 1997-1998, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia. Vòng đàm phán Đôha trong khuôn khổ WTO gặp bế tắc. Thách thức do các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách, đòi hỏi sự phối hợp giải quyết của cộng đồng quốc tế. Mối đe dọa khủng bố, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc ở một số nơi tiếp tục diễn biến phức tạp.

Do vậy, Hội nghị cấp cao ASEM 7 với chủ đề “Tầm nhìn và hành động: Hướng tới một giải pháp cùng có lợi”, là dịp để các thành viên cùng xây dựng một tầm nhìn thiết thực, hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh ASEM mở rộng và đang đứng trước nhiều thách thức toàn cầu mới, góp phần đưa quan hệ đối tác Á-Âu tương xứng với tiềm năng và đáp ứng tốt hơn lợi ích của các thành viên. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 5 đề mục: (i) Các vấn đề toàn cầu (như an ninh lương thực, sẵn sàng ứng phó và xử lý thiên tai…; (ii) Tăng cường thương mại và đầu tư Á-Âu; (iii) Thúc đẩy phát triển bền vững; (iv) Diễn biến tình hình khu vực và thế giới; (v) Tăng cường đối thoại giữa các nền văn minh.

Hội nghị dự kiến thông qua 3 văn kiện: Tuyên bố của Chủ tịch, Tuyên bố Bắc Kinh về phát triển bền vững và Khuôn khổ hợp tác Á-Âu (AECF). Ngoài ra, theo thông lệ, bên lề Hội nghị còn diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp AEBF lần thứ 11, Diễn đàn Nhân dân AEPF lần thứ 7 dành cho doanh nghiệp và các tổ chức nhân dân, phi chính phủ. Đoàn Việt Nam tham dự ASEM 7 sẽ tích cực đóng góp và chủ động thúc đẩy hợp tác ASEM đi vào thực chất hơn, phát huy những lĩnh vực Việt Nam có lợi ích, thế mạnh, đặc biệt 3 lĩnh vực Việt Nam tham gia Nhóm đi đầu: Văn hóa, Giáo dục, Y tế.

(Theo Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất