Đánh giá khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới đã bộc lộ nhiều bất cập của hệ thống quản trị toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, yêu cầu cấp bách là phải dân chủ hoá hơn nữa nền quản trị toàn cầu, phản ánh đúng hơn vai trò và lợi ích của các nhóm nước, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Dự phiên họp toàn thể tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2010 với chủ đề "Tái định hình nền quản trị toàn cầu" đêm 28/1 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cộng đồng thế giới cần dành cho các nền kinh tế đang phát triển một vai trò to lớn hơn, xứng đáng với sức mạnh mới giành được của họ, đồng thời có quyền yêu cầu các nền kinh tế mới nổi này đóng góp nhiều hơn, cả về mặt tài chính và nguồn lực.
Đánh giá Việt Nam đã từ một nền kinh tế yếu kém vươn lên trở thành một trong những câu chuyện thành công của châu Á và thế giới sau hơn hai thập kỷ Đổi mới, Thủ tướng khẳng định những thành tựu này một phần là nhờ nền quản trị phù hợp, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng cho rằng, việc cải tổ Liên hợp quốc - tổ chức quản trị toàn cầu quan trọng - còn đang gặp nhiều khó khăn, nhưng những nỗ lực gần đây của Liên Hợp Quốc trong việc tăng cường tính minh bạch và hiệu lực, hiệu quả hoạt động là rất đáng hoan nghênh.
Đánh giá G-20 là một bước tiến đúng hướng, có tính đại diện rộng rãi hơn, phản ánh đúng hơn bối cảnh mới của thế giới so với G-8, song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, sẽ còn cần nhiều thời gian và nỗ lực chung để G-20 phát triển trở thành một cơ chế quản trị toàn cầu mới hữu hiệu.
Ngoài ra, coi ASEAN là một ví dụ rất thành công, đóng vai trò quan trọng đối với tiến trình xây dựng thể chế khu vực và liên khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương , Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng các cơ chế quản trị khu vực tốt là những nền tảng quan trọng cho một nền quản trị toàn cầu hữu hiệu.
Chinhphu.vn