Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 27/5/2019 6:57'(GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp thăm chính thức Na Uy, bắt đầu thăm chính thức Thụy Điển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đến sân bay quốc tế Stockholm Arlanda. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đến sân bay quốc tế Stockholm Arlanda. (Ảnh: TTXVN)

Trong thời gian ở thăm Na Uy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Na Uy Erna Solberg. Hai Thủ tướng đánh giá quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước đang phát triển tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai bên.

Hai bên nhất trí thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), trong đó Na Uy là nước điều phối đàm phán; khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng Mặt Trời, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, kinh tế biển xanh, trong đó hai bên thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao chất lượng hải sản của nhau (cá tra Việt Nam, cá hồi Na Uy)...

Hai Thủ tướng đã trao đổi về tầm quan trọng và sự cần thiết phải đảm bảo hòa bình, ổn định, duy trì an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các thỏa thuận liên quan của khu vực.

Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy tiễn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay Oslo, Gardermoen. (Ảnh: TTXVN)

Trong chương trình chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tới chào xã giao Nhà vua Na Uy và hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Na Uy.

Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, Thủ tướng và đoàn cấp cao Việt Nam đã tới dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy với với sự tham dự của hơn 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước.

Phát biểu với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Na Uy, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Na Uy tìm cơ hội hợp tác hai bên cùng có lợi, “Chính phủ Việt Nam đồng hành cùng các bạn”, Thủ tướng nói và khẳng định điều này sẽ đóng góp quan trọng vào việc vun đắp quan hệ hợp tác Việt Nam-Na Uy.

Thủ tướng cũng đã dành thời gian tiếp và trao đổi với lãnh đạo 5 Công ty hàng đầu của Na Uy: Kongsberg Maritime, DNV-GL, PHARMAQ, Vard và Juton; thăm quan mô hình sản xuất kinh doanh và tìm hiểu cơ chế hợp tác của các công ty: Kongsberg Maritime và Pharmaq. Đây là hai tập đoàn hàng đầu Na Uy trong lĩnh vực kinh tế biển, chăm sóc, nuôi trồng thủy sản và cùng đang có hoạt động hợp tác sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Nhân dịp thăm chính thức Vương quốc Na Uy tươi đẹp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, gặp mặt cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Na Uy.

* Chiều 26/5, theo giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Stockholm Arlanda, bắt đầu chuyến thăm chính thức Thụy Điển theo lời mời của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven.

Bộ trưởng Thương mại và các vấn đề Bắc Âu của Thụy Điển, bà Ann Linde; Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg và đại diện Cục Lễ tân, Bộ Ngoại giao Thụy Điển đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay quốc tế Stockholm Arlanda. (Ảnh: TTXVN)

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Thụy Điển, có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh.

Cùng tham gia đoàn công tác còn có  Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Đoàn Thị Phương Dung; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân ở sân bay quốc tế Stockholm Arlanda. (Ảnh: TTXVN)

Theo chương trình thăm chính thức Thụy Điển, dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven; Chào xã giao Nhà vua Thụy Điển; Thủ tướng cùng lãnh đạo Chính phủ Thụy Điển tham dự Dự diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển.

Thủ tướng cũng sẽ có các cuộc gặp với làm việc với lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn của Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam. Dự kiến, Thủ tướng cũng sẽ dành thời gian gặp gỡ các nhà ngoại giao, chuyên gia Thụy Điển, Ban Chấp hành, Ủy ban Việt Nam-Lào-Campuchia, bạn bè Thụy Điển nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển.

* Ngay sau khi đến Thủ đô Stockholm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam đã tới thăm, gặp mặt nhân viên, cán bộ Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Thụy Điển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm, gặp mặt cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo với Thủ tướng và Đoàn, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Đoàn Thị Phương Dung nhấn mạnh Thụy Điển là nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt với Việt Nam; là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/1/1969). Quan hệ hai nước đã chuyển từ viện trợ phát triển sang quan hệ đối tác và ngày càng có nhiều khởi sắc.

Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao mà gần đây nhất là chuyến thăm của Công chúa Kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree và đặc biệt là chuyến thăm chính thức Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này. Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng đều đặn, du khách Thụy Điển đến Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây.

Đại sứ Đoàn Thị Phương Dung cho biết Đại sứ quán luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng người Việt tại Thụy Điển với khoảng hơn 18.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại khắp các vùng, miền của Thụy Điển.

Hiện có hàng chục doanh nghiệp lớn của người Việt cùng hàng trăm cửa hàng, cơ sở kinh doanh khác tại Thụy Điển. Hầu hết người Việt Nam tại Thụy Điển đều cần cù, chịu khó, hiếu học, không vướng phải các tệ nạn xã hội, duy trì tốt những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam và không ngừng nỗ lực hòa nhập tốt vào xã hội Thụy Điển. Đội ngũ đông đảo các tri thức người Việt tại Thụy Điển với trình độ khoa học và công nghệ cao là tiềm năng lớn để đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Các ý kiến của đại diện cộng đồng người Việt tại buổi gặp mặt bày tỏ vui mừng được đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và Đoàn Cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Thụy Điển; chia sẻ với Thủ tướng và Đoàn về những hoạt động kết nối cộng đồng, phát triển hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức của Thụy Điển với Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, kinh doanh.

Cùng với đó, các hội đoàn người Việt tổ chức nhiều lớp dạy tiếng Việt và nhiều hoạt động tích cực kết nối bà con trong cộng đồng. Đại diện bà con cũng phát biểu bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con Việt kiều trong việc xin cấp lại quốc tịch, sở hữu đất đai, nhà ở tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển. (Ảnh: TTXVN)

Vui mừng đến thăm Thụy Điển đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (11/1/1969-11/1/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động được gặp mặt cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và bà con cộng đồng người Việt tại Thủ đô Stockholm, đặc biệt là nhiều bà con vượt đường xá xa xôi, dành thời gian để đến tham dự cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này.

Ân cần chuyển lời hỏi thăm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến toàn thể bà con người Việt Nam đang sinh sống tại Thụy Điển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu và hiệu quả mà Thụy Điển đã dành cho Việt Nam trong quãng thời gian khó khăn, vất vả nhất của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Trong công cuộc xây dựng đất nước, Thụy Điển cũng là quốc gia giành sự viện trợ to lớn cho Việt Nam khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội và Thụy Điển cũng là quốc gia Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam thông qua các dự án chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, hỗ trợ nâng cao đời sống người dân đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi của Việt Nam.

Thủ tướng cũng cho rằng mặc dù đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam chưa cao nhưng có những lĩnh vực hiện đại hàng đầu thế giới như công nghệ thông tin, viễn thông. Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng tích cực hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong phát triển xanh, bảo vệ môi trường, giáo dục, văn hóa...

Thủ tướng cũng nhắc lại và nhấn mạnh đến vai trò và những đóng góp to lớn của cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme đối với việc xây dựng và đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam; đồng thời đề nghị cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, và cộng đồng bà con người Việt tại Thụy Điển cần gìn giữ những phẩm chất tốt đẹp của dòng máu Lạc Hồng, nhất là văn hóa, tiếng nói và chữ viết; đoàn kết thương yêu, đùm bọc và hỗ trợ lẫn nhau trong sinh hoạt và đời sống; kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống mà lãnh đạo và nhân dân hai nước đã gây dựng từ hàng chục năm qua.

Đánh giá cao kết quả công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển trên lĩnh vực ngoại giao, đối ngoại, bảo trợ công dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh Đại sứ quán đã làm tốt việc xúc tiến thương mại hai nước và hoạt động đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam.

Vui mừng chứng kiến thành tựu của các hội đoàn, bà con người Việt tại Thụy Điển trong lao động, học tập và kết nối cộng đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn bà con tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong sinh hoạt và đời sống, hòa nhập tốt hơn vào xã hội sở tại.

Thông tin với bà con về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, Thủ tướng mong muốn bà con đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hướng về quê hương, đất nước, tích cực tham gia đóng góp sức lực, trí tuệ vào tiến trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất