Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 29/11/2009 20:57'(GMT+7)

Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc Trưng Lương-Mỹ Thuận. Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc Trưng Lương-Mỹ Thuận. Ảnh: Chinhphu.vn

Sáng 29/11, Công ty cổ phần Đầu tư đường cao tốc BIDV (do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chủ trì thành lập) đã tổ chức khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với chiều dài khoảng 54 km; tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát lệnh khởi công. Cùng dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang.

Huy động nguồn lực các thành phần kinh tế đầu tư cho giao thông

Tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Bộ GTVT, chủ đầu tư, các địa phương và các Bộ, ngành liên quan, đã phối hợp chặt chẽ trong công tác chuẩn bị đầu tư. Thủ tướng nêu rõ ý nghĩa của dự án, sẽ tiếp nối với đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương sắp hoàn thành. Khi các tuyến đường cao tốc này hoàn thành sẽ là  động lực rất quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa – xã hội của các địa phương có tuyến đường đi qua, cho toàn khu vực ĐBSCL và cả nước. “Sự nghiệp CNH- HĐH đất nước không thể không có hệ thống tuyến đường giao thông  cao tốc. Do đó,  tất cả cần nỗ lực, cố gắng để nước ta sớm  hình thành hệ thống đường cao tốc”, Thủ tướng nhấn  mạnh.

Thủ tướng nói chuyện với đại diện các đơn vị

tham gia xây dựng Dự án. Ảnh: Chinhphu.vn

Hoan nghênh việc thành lập Cổng ty cổ phần Đầu tư xây dựng đường cao tốc BIDV, Thủ tướng cho rằng trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, cần huy động nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng, Thủ tướng phân tích và khẳng định Chính phủ sẽ tạo điều kiện về cơ chế huy động vốn, đầu tư các công trình dọc tuyến... để nhà đầu tư tạo nguồn hoàn vốn đầu tư.

Theo Thủ tướng, việc quản lý khai thác đường cao tốc là lĩnh vực mới ở Việt Nam, do đó Bộ GTVT cần xây dựng quy trình quản lý và hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện, đồng thời sớm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để ký hợp đồng chuyển giao quyền thu phí; nhà đầu tư cần chuẩn bị lực lượng để tiếp nhận khai thác ngay khi được bàn giao.

Đối với công trình tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn, thi công thực hiện đúng cam kết để dự án thực hiện đúng mục tiêu, đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn  và vận hành đúng thời gian. “Đường cao tốc phải bảo đảm thực sự là đường cao tốc”, Thủ tướng lưu ý. Chủ đầu tư cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn tất các thủ tục triển khai dự án theo quy định. Các địa phương có tuyến đường đi qua cần nỗ lực trong giải phóng mặt bằng để đáp ứng kịp tiến độ thi công. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn đồng bào vì sự phát triển đất nước, nghiêm túc chấp hành và tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Tiền Giang cần rà soát lại quy hoạch kết cấu hạ tầng phù hợp khi có tuyến đường cao tốc đi qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói chuyện với các cán bộ kỹ thuật

nước ngoài tham gia xây dựng Dự án. Ảnh: Chinhphu.vn

Tuyến đường hiện đại

Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài 54km, điểm đầu là nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (đoạn cuối của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tỉnh Tiền Giang), điểm cuối là đường dẫn lên cầu Mỹ Thuận, mặt đường rộng 25,5-26,5m cho 4 làn xe lưu thông, vận tốc cho phép 120km/giờ.

Các công trình trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận gồm: 4 nút giao khác mức liên thông (gồm nút giao Thân Cửu Nghĩa, Cai Lậy, Cái Bè và An Thái Trung); hơn 60 cầu các loại và các công trình, thiết bị phục vụ  khác. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào quý IV/2012.

Nút giao Thân Cửu Nghĩa thuộc Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được đầu tư xây dựng là nút giao liên thông dạng kèn Trumpet với cầu vượt đặt trên đường TL 878 và vượt trên tuyến cao tốc, rộng 26m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa nóng. Tổng giá trị đầu tư khoảng 291 tỷ đồng.

Khi tuyến đường hoàn thành, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ có tổng chiều dài 94km. Hiện nay Bộ GTVT đang giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận lập dự án làm đường cao tốc từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ có chiều dài khoảng 34km. Trong khi đó, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang thi công giai đoạn cuối, hoàn chỉnh thảm bêtông nhựa mặt đường, dự kiến công trình hoàn thành trong tháng 2-2010.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát điểm khởi công Dự án. Ảnh: Chinhphu.vn 

Toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng dự án là vốn tự có của Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) và vốn vay thương mại do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là đầu mối thu xếp (ngân sách không cấp phát). BIDV dự kiến hoàn vốn sau khoảng 34 năm khai thác thu phí, với mức phí 1.000 đồng/km/PCU. Đồng thời, BEDC cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc chuyển giao quyền thu phí và đầu tư xây dựng hệ thống trạm thu phí Dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Gần đây, Việt Nam đã tiến hành khởi công Dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, một số dự án đang triển khai thi công và sắp hoàn thành như đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa, đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương. Đây là các dự án nằm trong quy hoạch tuyến cao tốc Bắc Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV có vốn điều lệ ban đầu là 1.500 tỷ đồng, gồm các cổ đông sáng lập: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN, Tổng Cty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp VN, Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí VN, Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp BECAMEX, Tập đoàn Côn nghiệp Than- Khoáng sản VN; Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN, Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại khách sạn Tân Hoàng Minh.


 

(Theo Chinhphu.vn)

                                                                                   

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất