Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 20/5/2012 10:4'(GMT+7)

Thủ tướng thăm và làm việc tại Tiền Giang

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tiền Giang cần tập trung 3 chương trình kinh tế: kinh tế lúa gạo, kinh tế vườn, phát triển chăn nuôi - Ảnh VGP/Nguyễn Hoàng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tiền Giang cần tập trung 3 chương trình kinh tế: kinh tế lúa gạo, kinh tế vườn, phát triển chăn nuôi - Ảnh VGP/Nguyễn Hoàng

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh và ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang, trong khó khăn chung do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng tỉnh vẫn tiếp tục duy trì  được tăng trưởng, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, xuất khẩu, thu ngân sách… từ đó đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Bên cạnh đó, Tiền Giang đã quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, từ bậc mầm non đến đại học.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Tiền Giang cần tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh do thiên nhiên ưu đãi về sản xuất lương thực, cây ăn trái, thủy sản, chăn nuôi gia cầm…để phát triển bền vững.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Tiền Giang tiếp tục quan tâm chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, trong đó xây dựng kế hoạch cụ thể nâng cao đời sống  nhân dân, đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Tiền Giang cần tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất lương thực, cây ăn trái, thủy sản…Chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, ổn định sản lượng lúa 1 triệu tấn/năm, tập trung 3 chương trình kinh tế: kinh tế lúa gạo, kinh tế vườn, phát triển chăn nuôi. Gắn với đó, xây dựng các trung tâm chế biến gạo và nông sản hiện đại và tổ chức liên kết chặt chẽ hơn nhằm tận dụng lợi thế kênh Chợ Gạo cho phép vận tải nguyên liệu (lúa và các loại nông sản) khối lượng lớn của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long với chi phí rẻ và tiết kiệm thời gian.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo Tiền Giang cần làm tốt hơn nữa công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2012 của Tiền Giang cho thấy, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhóm các giải pháp đã được Trung ương chỉ đạo về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

So với cùng kỳ, trong 4 tháng đầu năm 2012, sản lượng lúa của Tiền Giang tăng 3,6%; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng 3,8%; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 15,7%; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 16,4%; kim ngạch xuất khẩu tăng 1,9%; số lượt khách tới thăm quan du lịch tăng 5,4%;…

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội cũng được tỉnh tập trung chỉ đạo theo đúng mục tiêu đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tiền Giang còn một số khó khăn, tồn tại, trong đó nổi lên là dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp; giá cả một số mặt hàng nông sản nhất là giá lúa, thịt heo không ổn định; việc đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chậm do khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng; số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhiều…

Lãnh đạo Tiền Giang cũng đã nêu lên một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, như kiến nghị cho triển khai đầu tư một đoạn của kênh Chợ Gạo (từ Km8+800 đến Km20+400), bởi đây là đoạn bị sạt sạt lở nhiều nhất và đang có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều hộ dân cư; xem xét bố trí vốn để triển khai thực hiện các dự án cấp thiết của Tiền Giang như dự án cầu Mỹ Lợi (nối liền hai tỉnh Long An và Tiền Giang), dự án kênh Xuân Hòa – Cầu Ngang, Tuyến kênh 14; những vấn đề liên quan đến phát triển Khu công nghiệp Long Giao…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng đã xem xét và cho ý kiến cụ thể đối với những kiến nghị, đề xuất nêu trên của Tiền Giang.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, ưu tiên nguồn vốn đầu tư kênh Chợ Gạo, bởi đây là tuyến vận tải thủy huyết mạch ở Đồng bằng sông Cửu Long (từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ - Cà Mau)  lưu lượng tàu thuyền qua lại  trên 1.000 lượt/ngày, dẫn đến tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng xảy ra trong nhiều năm liền, đe dọa tài sản và tính mạng người dân./.
 
Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất