Với chủ đề “Vai trò của luật sư Việt Nam trong cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, pháp triển kinh tế và hội nhập quốc tế”, cuộc tọa đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Liên đoàn Luật sư Việt Nam diễn ra sáng nay (8/12) tại Hà Nội.
Tham dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội nhưng có tuổi đời khá trẻ trong cộng đồng các tổ chức xã hội nghề nghiệp tại Việt Nam. Liên đoàn, ngôi nhà chung của 5.300 luật sư và 62 Đoàn luật sư trong cả nước, mới ra mắt cách đây gần 7 tháng, tại Đại hội toàn quốc đầu tiên của giới luật sư cả nước diễn ra ngày 10-12/5/2009.
Kể từ Đại hội này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập, đánh dấu một bước phát triển mới của nghề luật sư ở Việt Nam, khẳng định sự trưởng thành và vững mạnh của đội ngũ luật sư Việt Nam, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của giới luật sư cả nước. Tuy nhiên, trên bước đường sắp tới, Liên đoàn sẽ tiếp tục đóng vai trò như thế nào đối với cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, pháp triển kinh tế và hội nhập quốc tế? Cần tháo gỡ những vướng mắc gì để cộng đồng luật sư ngày càng phát triển hơn nữa, hướng tới mục tiêu trở thành đội ngũ luật sư ngang tầm khu vực và thế giới?
Trong hơn 1 giờ đồng hồ, với tinh thần thẳng thắn, chân thành và cởi mở, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp trả lời, giải đáp các câu hỏi của các luật sư về chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc khuyến khích giới luật sư tham gia xây dựng luật, pháp lệnh; đào tạo đội ngũ luật sư; khuyến khích, tạo điều kiện cho luật sư hoạt động nghề nghiệp…
Tạo mọi điều kiện để luật sư tham gia xây dựng các dự án Luật…
Chính phủ có chính sách gì để tạo điều kiện cho các luật sư tham gia đóng góp ý kiến đối với những dự án luật, pháp lệnh, luật sư Chiêm Xuân Tám (Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt vấn đề.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc luật sư tham gia đóng góp ý kiến đối với những dự án luật, pháp lệnh… là một việc làm thiết thực và cần thiết, thể hiện vai trò cũng như trách nhiệm của các luật sư trước các vấn đề kinh tế-xã hội chung của đất nước; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh…
Hiện nay, tất cả các dự án luật, pháp lệnh trong quá trình xây dựng đều được lấy ý kiến của nhân dân và các tầng lớp trong xã hội để luật, pháp lệnh khi được ban hành phát huy tối đa tính hiệu quả trong thực tiễn đời sống xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tư pháp có sự phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong xây dựng cơ chế phối hợp đối với các hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh; khẳng định, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các luật sư phát huy vai trò tích cực của mình vào việc xây dựng các dự án luật.
Theo Luật sư Trần Mỹ Thao (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), hiện nay, hoạt động tranh tụng đối với một số vụ án tại tòa án các luật sự còn gặp những hạn chế, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, tiếp xúc với thân chủ…
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ, ngành chức năng phối hợp, xem xét những hạn chế mà luật sư Trần Mỹ Thao nêu để phối hợp xử lý; đảm bảo thuận lợi cho luật sư hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng đồng ý với ý kiến đề xuất của luật sư Nguyễn Lịch (Đoàn Luật sư Phú Thọ) về việc cần phát huy hơn nữa vai trò của luật sư khi tham gia, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các khiếu nại tố cáo của công dân...
Sẽ tăng số lượng luật sư
Luật sư Nguyễn Văn Hiền Phúc (Đoàn Luật sư Bình Dương) nêu câu hỏi, hiện nay, có nhiều doanh nghiệp, công dân mong muốn được tư vấn pháp luật, song số lượng luật sư chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ Liên đoàn Luật sư Việt Nam xây dựng đội ngũ luật sư lớn mạnh hơn?.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, hiện, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong đó có nội dung về chiến lược xây dựng, đào tạo đội ngũ luật sư.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng mở rộng quy mô cũng như tăng chỉ tiêu đào tạo tại các cơ sở đào tạo về luật, luật sư… cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới giáo trình, phương thức giảng dạy…
Để triển khai Nghị quyết trên của Bộ Chính trị, các cơ quan chức năng đang soạn thảo đề cương Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 theo đó, đặt ra mục tiêu xây dựng đội ngũ luật sư ngang tầm khu vực và thế giới. Đến 2020, đội ngũ luật sư chuyên nghiệp đạt khoảng 18.000 luật sư, tăng gấp 3 lần hiện nay; 150 luật sư đạt trình độ luật sư quốc tế; 30 tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn với trên 100 luật sư.
“Chính phủ cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng cử cán bộ có năng lực đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài để trở về nước làm công tác giảng dạy ở các cơ sở đào tạo về tư pháp”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Sơn (Đoàn Luật sư Gia Lai) cho rằng, mạng lưới hoạt động của luật sư chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, còn ở vùng nông thôn, các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa… mạng lưới hoạt động của luật sư còn khiêm tốn. Giải pháp của Chính phủ như thế nào để khắc phục tình trạng này?.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, bên cạnh việc thực hiện các chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa; Chính phủ cũng đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng, địa phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa mạng lưới luật sư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ về tư pháp như tư vấn pháp luật...
Chinhphu.vn