Chiều 9/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp tới kiểm
tra công tác chuẩn bị; tổng duyệt các phương án tổ chức Hội nghị Diễn
đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) tại Trung tâm
Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội.
Tại đây, Thủ tướng nghe Ban Tổ chức trình bày và triển khai kịch bản,
phương án đón các nhà lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế tới Trung
tâm Hội nghị Quốc gia tham dự hội nghị WEF ASEAN.
Tiểu ban Vật chất và Hậu cần chủ trì phối hợp với các Tiểu ban An ninh
và Y tế, Lễ tân bố trí và điều hành phương án đón các nhà lãnh đạo,
trưởng đoàn tại sảnh lớn của Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra các địa điểm tổ chức Hội nghị
tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia: Phòng diễn ra phiên khai mạc, các phòng
tiếp xúc song phương, thảo luận; địa điểm chiêu đãi, Gala dinner.
Thủ tướng cũng nghe báo cáo về phương án tổ chức phiên khai mạc toàn thể
Hội nghị WEF ASEAN 2018 và phương án tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh
doanh Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đến thời điểm này, trên các
mặt công việc, công tác chuẩn bị cho sự kiện WEF-ASEAN đã hoàn tất, sẵn
sàng cho các hoạt động của hội nghị.
Trong những ngày qua, phía Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã cử nhiều
chuyên gia sang Việt Nam hỗ trợ và cùng hợp tác tổ chức sự kiện này.
Về mặt nội dung, Ban tổ chức đã phối hợp chặt chẽ với WEF và các bộ:
Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Lao động-Thương binh và Xã hội... để
tham gia góp ý vào nội dung của hội nghị.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết hiện đã có 6 vị Tổng thống, Thủ tướng;
có 3 Phó Thủ tướng dự kiến sẽ tham dự hội nghị. Công tác lễ tân, an
ninh, hậu cần cũng đã được bố trí đầy đủ, chặt chẽ đảm bảo chu đáo, kịp
thời theo các tiêu chí đề ra.
Cũng theo Ban tổ chức, đến thời điểm này, số lượng đại biểu chính thức
đăng ký tham dự WEF-ASEAN là 970 người; cùng với những khách mời khác,
đưa tổng số đại biểu tham dự có thể lên đến gần 1.200 đại biểu.
Dự kiến, sẽ có khoảng hơn 300 phóng viên trong nước và quốc tế sẽ đến đưa tin về sự kiện ngoại giao quan trọng này.
Phát biểu rút kinh nghiệm tại buổi kiểm tra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
nhấn mạnh Hội nghị WEF ASEAN là hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của
Việt Nam trong năm 2018.
Thủ tướng đánh giá cao các tiểu ban đã phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, chủ
động và đặc biệt là phối hợp tốt với WEF trong công tác chuẩn bị cho
hội nghị WEF ASEAN.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là cơ hội để khẳng định khát vọng, ước mơ vươn
lên tầm cao mới của Việt Nam, do đó, công tác chuẩn bị có ý nghĩa quan
trọng để đảm bảo cho thành công của hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát và cho ý kiến chỉ đạo về công tác chuẩn bị hội nghị. (Ảnh:TTXVN)
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh truyền thông về các hoạt động liên quan đến
sự kiện ngoại giao đặc biệt này, qua đó tăng cường nhận thức, ý thức
trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức các bộ, ngành, cơ quan liên
quan, nhất là các đơn vị tham gia vào công tác tổ chức hội nghị.
Thủ tướng yêu cầu trong công tác chuẩn bị phải lồng ghép quảng bá, đẩy
mạnh truyền thông, hình ảnh về tiềm năng đất nước, con người Việt Nam
bởi có đến hàng ngàn người là các nhà lãnh đạo, quan chức và nhân viên,
người nước ngoài đến Việt Nam tham dự sự kiện này. Quá trình chuẩn bị
cần bố trí sao cho thể hiện được văn hóa Việt Nam, văn hóa ASEAN trong
các sự kiện của hội nghị.
Không chỉ tập trung vào phiên khai mạc, Thủ tướng yêu cầu chú ý tổ chức
tốt các phiên họp, thảo luận chuyên đề liên quan đến hội nghị.
Về Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu VCCI cần hoàn thiện kịch bản, làm tốt các khâu từ hình thức đến nội dung.
Thủ tướng cũng lưu ý công tác lễ tân, đón tiếp tại các địa điểm tổ chức
hội nghị, sân bay, khách sạn cần phải được chú trọng, tổ chức thực hiện
chu đáo theo nghi thức ngoại giao phù hợp đồng thời, thể hiện văn hóa và
tinh thần hiếu khách của người Việt Nam.
Nhấn mạnh yêu cầu "an toàn tuyệt đối" trong quá trình diễn ra hội nghị,
Thủ tướng nêu rõ “đây là nhiệm vụ chính trị của lực lượng công an, quân
đội”; đồng thời đề nghị các lực lượng liên quan chuẩn bị và triển khai
tốt các phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho hội nghị; đặc biệt là làm
tốt việc ngăn ngừa, phòng chống và xử lý tốt, xử lý từ xa các tình
huống, hành vi phá hoại của kẻ xấu, của các thế lực thù địch.
Bên cạnh đó, công tác y tế và đảm bảo vệ sinh cũng phải được chú ý làm
tốt, nhất là khu vực diễn ra hội nghị, các khách sạn, sân bay, địa điểm
lưu trú của đoàn.
Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan rà soát lại mọi khâu
trong công tác chuẩn bị để kịp thời phát hiện những khâu còn sơ hở,
thiếu sót, đảm bảo cho thành công của hội nghị./.
(TTXVN)