Để bảo đảm thống
nhất trong quan điểm và phương thức triển khai thực hiện, cần quy định
rõ việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy và
học tập; tránh lãng phí, tạo độc quyền giáo dục trong in, phát hành sách
giáo khoa.
Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 27,
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội chỉnh lý dự thảo Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), hoàn thiện hồ
sơ trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp
thứ 7.
Trong đó, về mục tiêu, tính chất, nguyên lý giáo dục (Điều 2, Điều 3 của
dự thảo Luật), đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung "văn hóa" nhằm phát
triển toàn diện con người Việt Nam.
Về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, để bảo đảm thống
nhất trong quan điểm và phương thức triển khai thực hiện, cần quy định
rõ việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy và
học tập; tránh lãng phí, tạo độc quyền giáo dục trong in, phát hành sách
giáo khoa.
Đối với các chính sách, nhất là 2 chính sách mới về không thu học phí
đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập
và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở
giáo dục dân lập, tư thục (Điều 95 của dự thảo Luật); về nâng chuẩn
trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao
đẳng sư phạm (Điều 70 của dự thảo Luật) cần tiếp tục đầu tư đánh giá tác
động của các chính sách mới đối với các đối tượng liên quan; quy định
rõ điều kiện, thời điểm, lộ trình triển khai, dự kiến nguồn lực thực
hiện; làm rõ khả năng bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất và các điều kiện
khác khi bổ sung quy định về chính sách học phí cho đối tượng phổ cập,
chính sách lương nhà giáo, tín dụng sư phạm, giáo dục hòa nhập...
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đánh giá tác động về tính
khả thi của các chính sách mới được quy định trong dự thảo Luật khi
nguồn lực bảo đảm chỉ giới hạn trong tỷ lệ 20% tổng ngân sách nhà nước
chi cho giáo dục đào tạo. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, trước
mắt việc thực hiện chính sách ưu tiên trên đối với người học ở vùng miền
núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trẻ em có
hoàn cảnh khó khăn.
Về quản trị của cơ sở giáo dục, Thủ tướng đề nghị cân nhắc, nghiên cứu
tính khả thi của Hội đồng trường gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ
trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non. Giữ ổn định hệ
thống, bao quát được các loại hình, mô hình cơ sở giáo dục đại học hiện
có.
Với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học,
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Thanh
thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật,
đặc biệt lưu ý giữ ổn định hệ thống, bao quát được các loại hình, mô
hình cơ sở giáo dục đại học hiện có nhưng đồng thời mở hành lang pháp lý
thuận lợi cho sự phát triển lớn mạnh của các trường.
Bên cạnh đó, trong văn bản cần quy định rõ cơ chế, chính sách, điều kiện
bảo đảm thực hiện tự chủ; phân định rõ ràng, minh bạch và chế định cụ
thể của các trường được tự chủ và trường chưa đủ năng lực thực hiện tự
chủ. Trong đó, dự án Luật cần làm rõ mối quan hệ giữa thiết chế Hội đồng
trường và Hiệu trưởng, việc phân cấp, ủy quyền giữa Hội đồng trường và
Hiệu trưởng; phân định rõ vị trí, vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của
từng chủ thể một cách hài hòa để phát huy tối đa ưu thế của tự chủ và
bảo đảm chế độ trách nhiệm của cá nhân và của tập thể.
Thủ tướng cũng cho rằng cần làm rõ hơn việc phân cấp, phân quyền giữa
các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, giữa trung ương và địa phương
để bảo đảm thống nhất trong công tác quản lý nhà nước. Chú trọng công
tác kiểm định các cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo; quy định rõ điều
kiện, tiêu chuẩn, trách nhiệm của tổ chức kiểm định để bảo đảm và nâng
cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá chất lượng./.
(TTXVN)